Tự dưng đang nửa chừng cảm xúc với Colombia thì nhớ ra là “a, mình có lảm nhảm về vùng Amazon rồi!”. Cái này là nhờ nỗ lực vô cùng to lớn của 1 đứa em gái hơi khác họ cùng tông tí và chả nhớ là làm thế méo nào mà nó thuyết phục được đứa lười như mình viết ra vài tí – nhưng bản chất cũng lảm nhảm thôi à – để kiếm vài đồng.
Đăng lại đây cho vui.
Nếu có một con sông nào không phải là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, sông Amazon ắt hẳn phải đứng đầu bảng. Là nơi nuôi dưỡng lá phổi xanh của cả hành tinh, là con sông dài nhất và hùng vĩ nhất hành tinh, là con sông với hệ động thực vật nguy hiểm bậc nhất hành tinh, ấy vậy mà lịch sử nhân loại lại chưa từng ghi nhận dấu ấn của nền văn minh nào có tầm ảnh hưởng lớn trên Địa Cầu – ít nhất là khi so sánh với những nền văn minh tại châu Âu, châu Á và châu Phi.
Vậy nên, có đến hàng trăm hàng ngàn bộ phim tài liệu về con sông này, nhằm tìm ra câu trả lời ấy. Cũng có đến hàng ngàn hàng triệu cư dân Địa Cầu ngược xuôi con sông này để khám phá bí ẩn ấy theo cách riêng của họ. Tôi nằm trong con số “ngược sông” ấy.
Đích đến đầu tiên của tôi là thành phố Leticia thuộc biên giới Colombia.
Nằm ở bờ bắc của sông Amazon, thành phố này nhỏ bé nhưng luôn xập xình vũ điệu nóng bỏng của dòng nhạc Reggaeton. Người ta chào ngày mới với tiếng nhạc này và kết thúc một ngày trong điệu nhảy bốc lửa của Reggaeton. Đừng hỏi vì sao người ta lại đam mê dòng nhạc này đến vậy, dù nằm sâu trong trung tâm của sông Amazon. Tôi có hỏi, nhưng người ta chỉ đơn giản là: Thích!
Giống như tính chất của nhạc Raggaeton, thành phố này chào đón du khách với sự ồn ào, ầm ĩ, náo nhiệt – thậm chí muốn ong cả đầu khi hòa mình vào những con ngõ nhỏ quanh góc công viên ban trưa – và sự hoang dại nhiệt thành nhưng đầy bí ẩn của vùng sông nước nơi đây.
Để “ngấm” được chút đỉnh về sự ầm ĩ nơi đây, hãy đến với công viên Parque Santander vào tầm 4 giờ chiều trở đi. Vào giờ này, dường như mọi cánh chim trong rừng Amazon cùng nhau quyết định dừng cánh tại các khu công viên của thành phố này. Và cái thứ tiếng động vỗ cánh, đập cây, réo gọi bầy đàn í ới của lũ chim chóc ấy sẽ khiến bạn thậm chí không nghe được người đứng sát cạnh mình nói cái gì nữa.
Đấy, nơi đây ầm ĩ đến mức ấy.
Vậy còn sự hoang dại nhiệt thành và đầy bí ẩn thì sao? Đây là một trong vài nơi hiếm hoi mà bạn có thể chiêm ngưỡng những chiếc lá hoa sen gai rộng đến hàng mét. Đây là nơi người ta đến để nhìn thấy loài trăn Amazon nổi tiếng nguy hiểm nhất thế giới vẫn tồn tại trong hoang dã – Anaconda. Hoặc để tận mắt chứng kiến hình ảnh loài cá sấu ăn thịt khổng lồ (kể cả người). Hay để chứng kiến loài kiến càng to quý hiếm, ẩn cư chỉ tại vùng trung tâm của rừng Amazon. Hoặc là xem loài cá heo hồng chỉ có ở vùng sông nước Amazon.
Hệ sinh thái của Leticia nói riêng, cùng với vùng trung tâm rừng Amazon nói chung, là cả một câu chuyện truyền kỳ bất tận và chưa từng có hồi kết. Người ta còn chưa biết được 1/10 của khu rừng này.
Vậy nên, dù bạn đến đây với ý định nhìn ngắm những điều “người ta đồn” ấy, bạn cần nịnh nọt dòng sông này đôi chút để nó mở lòng giúp bạn có cơ hội nhìn được điều ấy. Gì chứ con sông này là một trong 3 con sông khó chiều nhất thế giới, thay đổi tâm tình và sắc mặt nhanh như chớp.
Nếu nịnh nọt không hiệu quả, bạn có thể an ủi tâm hồn bằng chuyến thăm một nơi gọi là khu du lịch sinh thái Amazon, tức Parque Ecológico Mundo Amazónico. Nơi đây không thiên về thế giới động vật, mà tập trung nhiều hơn về kiểu sinh sống xưa nay của người dân vùng Amazon và hệ thực vật nơi đây. Nếu bạn thích thẩn thơ chút đỉnh trong ngày dài tại Leticia, đây là đích đến lý tưởng cho bạn.
Còn với những ai có cái tật “chân đi không mỏi” – như tôi – thì Leticia là điểm bắt đầu tuyệt cú mèo để bắt đầu hành trình ngược dòng Amazon, đánh dấu bằng hành trình nhỏ: đặt chân đến 3 nước trong vòng 1 ngày (có khi chỉ trong vài tiếng!).
Số là Leticia nằm cách thành phố cửa ngõ Tabatinga của Brazil chỉ một…bờ mương (người ta gọi là sông hay lạch nhỏ, còn tôi thì thấy nó giống như bờ mương hơn). Bạn cũng không cần phải có thị thực chính thức để vào Brazil khi đến thăm thành phố này từ Leticia đâu.
Tại ngã giao giữa ba nước Peru, Colombia và Brazil này, người dân sống quanh vùng và thậm chí là dọc sông Amazon đều tự do đi lại mà không cần thị thực. Người ta lấy đường biên giới giữa các nước là một vạch kẻ vô hình nằm ngay chính giữa và chạy dọc theo dòng sông.
Tôi thật tò mò là làm sao mà người ta có thể biết được khi nào thì mình “xâm phạm” biên giới nước khác khi ở trên mặt sông Amazon mênh mông đến vậy? Câu trả lời là người ta đã quá quen rồi và chuyện đi vào nước bạn cả tuần mà không cần thị thực đối với người dân ở các làng dọc sông Amazon là chuyện bình thường như ngày ăn ba bữa khoai tây.
Vậy nên, hãy cứ vô tư đặt chân lên đất Brazil và chơi ở đó trong cả ngày, nếu muốn. Cũng không có trạm kiểm soát cửa khẩu nào tại đó để bạn đóng dấu đâu, nếu như bạn muốn thu thập con dấu nhập cảnh vào các nước.
Tiếp đến là lúc tôi phải tạm biệt Leticia để bắt đầu hành trình ngược dòng sông Amazon. Bởi vì chuyến tàu ngược dòng Amazon chỉ xuất phát ở bờ nam sông Amazon, tức là từ phía làng thuộc bờ nam Amazon của lãnh thổ của Brazil hoặc Peru.
Cứ khoảng vài ngày trong tuần là lại có một chuyến tàu đi ngược (và xuôi) dòng từ Leticia đến Iquitos, thành phố chính dọc bờ Amazon của Peru. Đó là chuyến tàu kết hợp giữa chở hàng và chở người; và đó cũng là chuyến tàu chính chở theo “ánh sáng văn hóa giao lưu” dọc theo sông Amazon.
Trước mặt Leticia là một bãi giữa có tên gọi rất mơ mộng: Isla de la Fantasia, tức Đảo Fantasy. Lý do cho tên gọi này cũng khá đơn giản: đến mùa nước nổi, hòn đảo này biến mất giữa biển sông Amazon. Và người dân nơi đây cho rằng ấy là khi nàng tiên cai quản nơi đây phải về gặp nữ thần Amazon, nên hòn đảo mới biến mất. Khi nàng quay lại, nàng sẽ mang theo quà tặng của thần sông Amazon, giúp họ thu được nhiều cá, đất đai màu mỡ hơn để trồng được nhiều lương thực hơn và trời yên sóng lặng hơn để họ tiếp tục được hát ca dưới ánh mặt trời.
Ắt hẳn câu chuyện này cũng đúng phần nào. Vì trên lối mòn nhỏ hẹp đi xuyên qua đảo để đến bờ đất tận cùng của Colombia, tôi thấy người ta tấp nập vác hàng bao cá trên những tấm lưng trần bóng nhẫy mồ hôi. Ngay cả khi cá rớt cả ra ngoài, người ta cũng chẳng thèm để ý.
Tại bờ này, người ta có thể dõi mắt nhìn về phía bên kia là thấy thế giới thuộc nước khác. Bạn thậm chí nghe được tiếng cười đùa của lũ trẻ chơi đùa trên sông tại bờ kia.
Nhưng để sang bờ kia, bạn phải đi một chuyến đò nhỏ để đến Santa Rosa, hòn đảo nhỏ thuộc Peru và quay mặt về phía bờ Colombia.
Thật may là vốn liếng tiếng Tây Ban Nha của tôi cũng đủ để bập bẹ tìm đường. Chứ nếu không, quả thật là có khi tôi đã lỡ mấy chuyến tàu vượt sông rồi.
Mọi nguồn cơn là do sau khi chuyến đò cập bờ bên kia, người ta không đặt sẵn bảng chỉ dẫn nào cho bạn biết đường đến làng Santa Rosa hay trạm cửa khẩu của Peru đặt tại làng này. Mà bến đò này lại nằm cách cổng làng, tức cổng chào mừng đến với Peru với dòng chữ “Welcome to Peru” (hay Bienvenidos al Peru) lại cách xa đến tận 2-3 cây số, tức là vượt qua một quãng đồng không mông quạnh và bãi cái dài như không thấy mút.
May mắn tóm được một anh chàng lái chiếc xe kiểu tuk-tuk, tôi nhờ họ chở thẳng đến trạm cửa khẩu, thay vì tự mình lọ mọ như mọi khi. Ấy vậy mà cũng phải mất bảy vòng chín vèo thì tôi mới đến được đích. Rồi lại bảy vòng chín vèo nữa để quay lại bến đò xuất phát của chuyến tàu ngược sông Amazon ấy.
Chuyến tàu này là một con tàu lớn, cao đến bốn tầng. Tầng 1 chở hàng hóa, các tầng còn lại dành cho người và thủy thủ đoàn. Nếu bạn muốn có một khoang riêng, nằm giường thì bạn sẽ ở tầng 2, còn tầng 3 và 4 thì bạn tự chọn chỗ nằm và kiểu nằm, tức là bạn nên mang theo một chiếc võng và đó sẽ là chiếc giường êm ái của bạn trong hành trình 4 ngày 4 đêm đến Iquitos.
Trước khi quyết định ngược dòng Amazon bằng chuyến tàu khách dành cho dân bản địa này, thật lòng thì tôi cũng khá lo lắng chuyện vệ sinh ăn ở. Gì chứ, nếu tìm kiếm từ nguồn thông tin ít ỏi bằng tiếng Anh trên Internet, người ta cứ cảnh báo mãi sự thật kinh dị “nước ăn cũng lấy từ sông, nước tắm cũng lấy trực tiếp từ sông, mà vệ sinh người ta cũng thải thẳng ra sông”.
Nhưng có lẽ mọi chuyện chỉ là đồn đại quá lên. Người ta có bình trữ nước riêng cho nấu ăn, nước tắm giặt và vệ sinh được lọc trước qua một khoang chứa nước riêng. Khu vực tắm chung, gồm nhiều khoang tắm khép kín, khu vực vệ sinh cá nhân tách biệt, khu vực nấu ăn riêng và khu vực ngủ cũng tách biệt.
May mắn hơn nữa, với tôi, là người ta chuẩn bị sẵn ba bữa ăn trong ngày và phát đến tận tay từng người. Dù chỉ ít món nhưng quả thực, cái đủ đầy bụng và cái tươi roi rói của thực phẩm có thể đánh bại cái cầu kỳ của món ăn.
Nói vậy không có nghĩa là người ta không cầu kỳ nhé.
Nhà tàu đảm bảo thay đổi cách chế biến và loại thực phẩm để bạn không bị chán ăn. Người ta còn cung cấp một số món ăn vặt nhẹ giữa bữa nữa cơ. Một kiểu “xa xỉ” khác là luôn có một món đồ uống giải khát đi kèm – có thể là nước ép loại quả nào đó, có thể là thứ nước giải khát không ga nào đó, cũng có thể là thứ nước nấu từ loại hoa hay lá nào đó vùng Amazon.
Người nào chê thì cứ chê, chứ tôi thì thấy đầu bếp nhà tàu thật tâm lý và số dzách!
Mà toàn bộ đều bao gồm trong tiền vé rồi. Tôi không phải trả thêm đồng nào. Thế mà gia đình người bạn Colombia của tôi cứ làm tôi lo sợ phải chuẩn bị thêm vài món lương khô phòng thân. Cái ba lô chỉ nặng thêm vài kg, nhưng cái thân lừa như tôi thấy đủ nặng rồi!
Nhưng cũng không buồn gì chuyện ấy. Mắc cái võng sặc sỡ và hoa lá cành của tôi ở phía gần đuôi tàu, tôi thả mình ngắm buổi hoàng hôn đậm sắc tím hồng của vùng sông nước Amazon. Thấp thoáng phía hai bờ là vài ngọn đèn leo lét – những ngọn đèn mà tôi biết chắc chắn phát ra từ những chiếc máy phát điện chạy xăng quý hơn vàng tại nơi đây.
Trên con tàu này, sáng một cảnh sông, trưa một cảnh sông, chiều một cảnh sông, tối một cảnh sông và đêm đến lại là một cảnh sông.
Con sông Amazon này chưa bao giờ là kẻ dễ chiều.
Cứ sáng sáng, ánh mặt trời bàng bạc hắt vào mắt bạn, buộc bạn phải tỉnh giấc. Từ những con lạch hay đoạn dòng chảy nhỏ ngắt ra từ mạch chính của sông, những chiếc thuyền nhỏ len lỏi chở những vị khách mới gia nhập hành trình. Hoặc vài thuyền chở đầy cá vừa đánh bắt từ sáng sớm để bán cho nhà bếp của con tàu tôi đang đi.
Chiều chiều, mặt trời dát vàng lên mặt sông, lên những mái nhà thấp thoáng dọc sông và lên tấm áo của người phụ nữ giặt áo ven sông.
Tối tối, sắc tím buổi chạng vạng nhường chỗ cho bầu trời đêm đầy sao, nhìn rõ bóng hình của dải Ngân Hà vắt từ bờ này sang bờ kia sông.
Nhưng chớ mong gặp lại cảnh ấy cho ngày hôm sau. Vì bỗng nhiên, gió giật mạnh, mây đen giăng đầy giữa lòng sông và sấm chớp đua nhau chơi trò đuổi bắt ở phía đường chân trời. Đó là một đêm mưa to gió lớn, đến mức khiến cả con tàu chòng chành dù đã tấp vào gần bờ và neo ở một vị trí khá khuất gió.
Mưa bão trên sông Amazon không khác gì mấy mưa bão trên đại dương. Ấy là cảm giác của tôi khi trải qua đêm đầy mưa giật gió cuốn như thế.
Chỉ khi đi trên chuyến tàu này, tôi mới phải biết ơn những vị thuyền trưởng dạn dày trên mặt sông Amazon. Họ nhận biết dõi mọi dấu hiệu thay đổi thời tiết từ… ngày trước khi nó đến. Họ cũng là vị hướng dẫn viên chu đáo của bạn, nếu bất ngờ phát hiện ra bóng dáng của cá heo – đen, xám hay hồng – trên mặt sông.
Trên tất cả, họ là mắt xích kết nối cuộc sống của các làng dọc sông và là cầu nối duy trì dòng chảy văn hóa của vùng Amazon.
Dọc theo con sông Amazon là những ngôi làng lớn nhỏ và thị trấn nằm tách biệt với thế giới hiện đại ngoài kia. Cuộc sống của những con người nơi đây phụ thuộc vào dòng sông, cũng như phụ thuộc vào các chuyến tàu khổng lồ này.
Tại đây, người ta sử dụng những chiếc thuyền nhỏ để trao đổi hàng hóa với những chuyến tàu chở người và hàng to lớn thế này. Họ buôn bán đủ thứ, từ xăng dầu, củi lửa đến cá tôm, mắm muối, và thậm chí là những mặt hàng lưu niệm mộc mạc mà đậm màu sắc lối sống sông nước Amazon.
Có lúc, con tàu lướt qua những ngôi làng nhỏ chưa đến chục mái nhà. Cả làng nằm đơn độc và biệt lập giữa một vùng sông nước mênh mông. Người ta ở trên bờ nhìn con tàu của chúng tôi lướt qua xa xa, và chúng tôi chẳng chịu dừng chân lại chút nào. Có khi đó là thứ thú vui tiêu khiển trong phút thảnh thơi bên sông của người ta. Nhưng không hiểu sao, nó lại khiến tôi nhớ đến cảnh đợi tàu của hai chị em trong tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam.
Mà có lẽ, đó chỉ là giây phút “ảo giác ủy mị” giữa khung cảnh trống vắng dọc sông.
Cũng dễ lắm, vì cả ngày dài ngược quãng sông không một bóng người, không một nóc khói, không một cánh chim rừng, trước mắt chỉ là rừng cây xanh rậm hai bờ xa xa và bốn phía là sông nước mênh mông. Những lúc ấy mới thấy con người là loài động vật cần sinh sống theo bầy đàn.
Lúc ấy, chỉ cần nhìn thấy những thửa ruộng nho nhỏ ven sông thôi là đủ thấy đời vui trở lại.
Con tàu thỉnh thoảng dừng chân tại những thị trấn đủ náo nhiệt. Tại đây, người ta lên tận boong tàu để rao bán những thức ăn vặt hay quà chiều đầy tính khiêu khích khướu giác.
Trời ơi, cái mùi cá nướng – dù chỉ nướng đơn giản thôi – cũng đủ khiến bụng đói cồn cào sau buổi ăn trưa vừa xong. Những khay quả bổ sẵn và sặc sỡ màu sắc bắt mắt. Những túi đồ ăn bán sẵn căng phồng và đầy mời gọi.
Cái âm thanh ầm ĩ, rộn ràng và đinh tai nhức óc của mọi khi lại nghe đầy sức sống sau cả ngày dài vắng tiếng người.
Đến tận điểm kết thúc, sự ồn ào và náo nhiệt của thương lái vận chuyển hàng cũng khiến cho kẻ ghét ầm ĩ như tôi phải mỉm cười. Bởi vì lúc ấy, bạn chợt nhận ra cuộc sống cũng nên đầy sức sống như thế.
Hành trình này, đủ dài để dòng sông này khoe sức mạnh cuộc sống, một cuộc sống mà nó chuyên chở sứ mệnh từ thưở xuất hiện loài người đến nay. Hành trình này, cũng đủ ngắn để tôi biết mình cần phải quay lại.
Tôi biết rằng nó luôn ở đó chờ đợi tôi quay lại!
*Có nhiều chuyến bay từ thủ đô Bogata của Colombia hoặc Sao Paulo của Brazil hay Lima của Peru để đến Leticia. Nhưng giá vé máy bay khứ hồi toàn chặng, từ Việt Nam đến Leticia, sẽ rơi vào khoảng $3700. Vậy nên, nếu quyết định đến Leticia để đi ngược sông Amazon, bạn nên kết hợp đi đường bộ và đi du lịch trong khoảng thời gian dài hơn để tính hiệu quả chi phí sẽ cao hơn.
Khi đến khu vực ngã giao ba nước, bạn nhớ lưu ý vấn đề đóng dấu xuất nhập cảnh. Bạn cần đến sân bay tại Leticia để đóng dấu xuất và nhập cảnh. Vậy nên, nếu đi du lịch 3 nước trong ngày, cách tốt nhất là qua thăm Tabatinga (không cần đóng dấu), rồi ra sân bay Leticia để xin dấu xuất cảnh và đi thăm Leticia. Sau đó, rời khỏi Leticia và qua làng Santa Rosa để đóng dấu nhập cảnh Peru. Không nên chờ cập bến ngôi làng thứ hai sau khi tàu rời bến từ phía Peru để đóng dấu nhập cảnh Peru, vì sau khi lên tàu và tàu chạy tầm 10’, cảnh sát tuần tiễu sông Amazon của Peru sẽ lên tàu để kiểm soát giấy tờ. Và nếu không có dấu nhập cảnh, bạn sẽ bị bắt ngay lập tức. Lý do là vì đây là khu vực “nóng” về đấu tranh chống tội phạm ma túy, khét tiếng trên thế giới – chứ không chỉ ở khu vực Nam Mỹ.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn võng, đồ vệ sinh cá nhân vì trên tàu không chuẩn bị sẵn xà phòng, khăn tắm, giấy vệ sinh cho hành khách. Nếu thuê phòng riêng ở tầng 2 của tàu thì dù có không gian riêng, nhưng thực tế, khoang phòng rất nhỏ, cũng như nóng bức. Khí hậu vùng sông Amazon là khí hậu nhiệt đới, phòng không có quạt hay điều hòa nên khá bí. Muốn thoáng hơn thì bạn lên tầng 3 và tầng 4, mắc võng. An tâm là người dân rất chất phác và thân thiện. Không có mất trộm đồ (dù người lên xuống khá thường xuyên) và không có móc túi.
Tốt nhất, hãy trang bị cho mình vốn tiếng Tây Ban Nha vừa đủ để hỏi đường vì nơi đây, không một ai nói tiếng Anh. Các dấu hiệu chỉ dẫn đường nơi đây cũng chỉ bằng tiếng Tây Ban Nha (hoặc Bồ Đào Nha nếu bạn đi thăm Tabatinga).
Internet RẤT chậm, thậm chí mở trang chủ của Google cũng mất gần 10 phút. Truy cập Internet phải trả theo phút. Xăng và điện (chạy bằng máy phát điện là chính) rất đắt đỏ. Vậy nên, nếu cần thông tin gì thì nên chuẩn bị sẵn trước (tải xuống bản offline cho bản đồ hay từ điển chẳng hạn) hoặc đem nhiều pin dự phòng. Trên tàu không có ổ cắm để sạc pin.
Đồng thời, trước khi bước chân vào khu vực vùng Amazon, bạn nên đến các cơ sở y tế để ít nhất tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng (có trả phí). Tất cả các sân bay xuất phát để bay vào vùng Amazon đều có cơ sở y tế như thế này. Sau khi tiêm xong, người ta sẽ cấp cho bạn thẻ chứng nhận đã tiêm phòng. Hãy giữ thẻ này trong suốt hành trình bạn ở tại khu vực Amazon, cũng như 1 năm sau khi bạn rời khỏi khu vực Nam Mỹ. Nếu không, bạn sẽ có thể bị cách ly bất khả kháng, thậm chí là bị phạt tiền, khi ở tại hoặc ra khỏi khu vực này mà không có giấy chứng nhận ấy.
Nhớ rút tiền mặt và đổi tiền sang đồng peso trước khi thực hiện hành trình ngược dòng Amazon. Bạn sẽ không tìm thấy ai chấp nhận đồng ngoại tệ cả. Bạn có thể rút tiền tại một số cây ATM ở Leticia, nhưng số lượng ngân hàng phát hành thẻ mà máy ATM chấp nhận lại khá ít. Vậy nên, tốt nhất là rút tiền đô la Mỹ hoặc đổi sẵn ngoại tệ tại các thành phố chính, trước khi bay hoặc đi vào vùng Amazon.
Và cuối cùng, hãy nhớ: luôn nở nụ cười. Người dân ở đây rất hiếu khách, tò mò và nhiệt tình. Nhưng họ cũng rất nhạy cảm và đặc biệt, họ tôn trọng tín ngưỡng sông Amazon. Xin hãy tôn trọng họ!