Rồi, tiếp bài đã viết cho người em gái khác họ cùng tông =____=
“Con người thường có xu hướng ám ảnh thị giác nhiều hơn so với bất kỳ giác quan nào khác”. Tôi không chắc câu nói này đúng đến bao nhiêu phần trăm, nhưng ít ra, nó “linh nghiệm” khi nói về Pamukkale.
Nằm trong danh sách di sản văn hóa thế giới UNESCO và thuộc về mạn Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, dọc theo triền núi của thung lũng Sông Menderes, cái tên Pamukkale này mang một ý nghĩa khá mơ mộng theo giải nghĩa của người dân bản xứ – lâu đài bông trắng. Đó là những gì tôi được “khai sáng tri thức” từ anh bạn đồng hành người Thổ khi ở trên xe. Và tôi công nhận, nó đích thực là lâu đài bông trắng.
Trắng khi nhìn lên trời.
Trắng khi nhìn xuống đất.
Trắng khi nhìn bốn phía tầng tầng bậc bậc đá núi.
Màu trắng lóa mắt này chói sáng đến mức ngay cả khi nhìn vào màn hình máy ảnh, tôi cũng khó biết mình đang chụp cái gì. Mây trắng như bông, thạch nhũ trắng xóa, nước trắng lấp lánh. Tất cả chỉ là một màu trắng.
Nhưng điều thú vị là chỉ cách đó tầm 10 phút đi bộ từ cổng vào, nền đá núi lại là màu từ hồng phấn đến hồng nâu, điểm xuyết ít sắc xanh ngọc bích do rêu bám vào thành đá, dọc theo khe nước uốn lượn từ trên đỉnh núi xuống. Tùy thuộc vào mùa và thời gian trong ngày, người ta sẽ mở khóa để nước chảy tràn ra toàn bộ khu vực núi – hoặc một phần núi – và khi có nước, thứ phép màu quyền năng này biến những mảng thạch nhũ muôn hình vạn trạng của Pamukkale thành thiên đường mây trắng thực thụ, với muôn vàn hồ nước nhỏ, trong vắt, có sắc màu xanh biếc đặc trưng của vùng biển Carribean.
Có lẽ chính vì cái ảo ảnh thị giác như đứng giữa thế giới bồng bềnh mây trắng này mà xưa kia, những người Hy Lạp – La Mã cổ đại đã xây dựng thành phố linh thiêng Hierapolis ngay trên đỉnh của dãy núi này.
Và bởi vì nó linh thiêng, cho đến tận ngày nay, nên bạn sẽ được yêu cầu cởi bỏ giày dép khi bước trên nền đá của lâu đài bông trắng. Khi tôi hỏi anh bạn Thổ Nhĩ Kỳ về chuyện này – bởi vì thú thực, trong ánh nắng tháng bảy của vùng Địa Trung Hải, “nóng bỏng” không phải là từ ưa thích của tôi khi phải dẫm chân trần lên nền đá cho lắm – thì anh chàng lại quăng cho tôi cái ánh nhìn “khai sáng tri thức” trước khi trả lời tôi: “Với chúng tôi, cơ thể con người là linh thiêng nhất, nên lẽ dĩ nhiên, tại đây, bạn phải cởi bỏ giày dép. Thêm nữa, để giữ gìn sự linh thiêng cho cơ thể, bạn có thể nhảy vào bất kỳ cái hồ nước nào ở đây để tắm rửa. Đó từng là nghi thức xưa kia trước khi bạn bước chân vào khu vực đền thờ của thành Hierapolis”.
Những hồ nước – có khi chỉ là vũng nước – được coi là thần dược chữa bệnh đối với người Hy Lạp – La Mã cổ đại. Và không ngạc nhiên là với sự chú trọng phát triển thể chất của người Hy Lạp cổ đại, không khó hiểu khi nơi đây được coi là vùng đất linh thiêng và một khi đã đến đây, ngâm mình trong suối nước nóng là chuyện nhất định phải thử. Tin tôi đi, nó rất đáng đồng tiền bát gạo!
Lúc tôi đến thì đó là thời điểm bắt đầu vào mùa du lịch, có kha khá người đến đắm mình trong vô vàn suối nước nóng tại đây. Đặc biệt là khu vực suối trung tâm. Nhưng là một kẻ lữ hành “khó chiều”, tôi kiên quyết tránh xa khu vực suối nước nóng ở mặt trước của Pamukkale. Tuy vậy, tôi vẫn muốn được ngâm mình trong làn nước tại đây, với ít khách du lịch vây quanh hơn, tầm mắt thoáng đãng hơn và yên bình hơn.
Tưởng đâu anh bạn người Thổ Nhĩ Kỳ của tôi lại thấy “khó ở” với cái yêu cầu này của tôi, vậy mà rốt cuộc, cả đám chúng tôi lại có thể trốn mình đến đúng một nơi như thế, tại nơi đông khách du lịch như Pamukkale.
Chỉ cần chịu khó tản bộ vòng qua mặt kia của dãy núi, phía bên kia của quảng trường nhà hát cổ, ngoài trời của Hierapolis, bạn sẽ cảm nhận được đúng nghĩa hưởng thụ trên thiên đường mây trắng.
Khu vực hồ nước rộng rãi, nằm trên vách núi đá nhìn ra toàn thung lũng; ấy vậy mà lại hiếm khách du lịch đến đó – đâu như chỉ tầm vài ba người mà chúng tôi bắt gặp trên đường. Một bên là mảng cây cỏ xanh mướt với sắc hoa tím hồng đặc trưng của vùng này, một bên là toàn cảnh thung lũng Sông Menderes, gần đó là một mảng trắng như mây của vùng núi đá Pamukkale, ngẩng đầu là bầu trời Địa Trung Hải trong xanh đến khó tin và lấp lánh quanh mình là làn nước mát lạnh, trong suốt, cho bạn thỏa sức bơi lội và thả mình theo làn nước.
Sau vài tiếng khám phá những tàn tích còn sót lại của thành Hierapolis xưa kia, trong cái nắng giữa chiều oi oi, khô khô thì với tôi, điểm dừng chân cuối cùng ở mặt kia của Pamukkale chính là thiên đường đích thực. Thiên đường để quên ngày, quên tháng.
Và như mọi lần, mấy người bạn đồng hành lại lắc đầu khi nhìn tôi: “Nhớ đừng có sướng quá mà nằm ngủ quên ở đây đấy; còn phải đi xuống núi thử mấy món ăn nữa. La cà là hết ăn cho mày!”
Thật là khó dời bước khỏi nơi này. Khó theo cái kiểu “sướng quen rồi, khó chịu khổ lại được” ấy. Nhưng giá mà tôi cưỡng lại được cái ăn cái uống ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Mà thôi, đó lại là một câu chuyện khác.
*Để đến được Pamukkale: Bạn có thể bay hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ từ Việt Nam đến Istanbul, sau đó, nối chuyến từ Istanbul đến Denizli (thành phố có sân bay gần Pamukkale nhất). Vé khứ hồi cho toàn chặng khi đặt vé sớm thì giá tầm 1.500 đô Mỹ. Sau khi đến Denizli, bạn bắt xe từ sân bay đến Pamukkale, thời gian thì tầm 1 tiếng đồng hồ và giá tầm 30 đồng Thổ Nhĩ Kỳ.
Một cách khác là sau khi bay đến Istanbul, bạn đi xe bus giường nằm qua đêm từ Istanbul thẳng đến Pamukkale. Xe bus ở Thổ đi êm, có phát đồ ăn và nước, cộng thêm chăn và gối ngủ đêm trên xe. Có cả wifi nữa. Giá vé xe bus thay đổi tùy từng hãng và từng hạng ghế. Nhìn chung thì đợt tôi đi, lượt về đi bus thì không quá 300 đồng Thổ Nhĩ Kỳ cho cả chặng.
Lưu ý một chút là đa phần các hãng xe bus dù có quảng cáo là thẳng đến Pamukkale thì bạn vẫn nên hỏi kỹ là họ đến trạm xe bus dừng ở chân núi vùng Pamukkale hay là họ đến Denizli và từ đó, dùng xe minibus của nhà xe (giá tầm 10 đồng Thổ nữa) để đến được Pamukkale.