Được mệnh danh là thành phố spa nghỉ dưỡng cao cấp vào hạng bậc nhất Vương quốc Anh, Bath còn là điểm du lịch cổ xưa nhất của quốc gia này.
Bath có thể kể cho bạn nghe ngàn lẻ câu chuyện về mình.
Đó là câu chuyện về những suối nước khoáng nóng, khởi nguồn cho tên gọi Bath của thành phố này.
Đây là nơi duy nhất tại Vương quốc Anh có những suối nước khoáng nóng và kể từ thời xa xưa, những cư dân định cư tại quốc đảo này đã tôn thờ nữ thần nước Sulis theo văn hóa tín ngưỡng vùng Celtic. Nhưng Bath trở nên thực sự nổi tiếng toàn thế giới vào thời ấy thì phải kể đến thời điểm vó ngựa chinh phục của đội quân La Mã đặt chân đến nơi đây.
Sùng bái văn hóa bảo vệ sức khỏe của người Hy Lạp, không có gì ngạc nhiên khi những người La Mã đến đây đã dựng nên phiên bản nhà tắm La Mã mà họ yêu thích tại quê nhà. Vì nơi đây, họ tìm thấy nguồn suối khoáng nóng giàu dưỡng chất và tốt cho sức khỏe.
Vậy nên, các nhà tắm La Mã được lập nên, mà điển hình là Roman Baths ngay tại trung tâm thành phố, hình thành nên một thành phố chuyên để chăm sóc sức khỏe và cái tên Bath cũng khởi nguồn từ đó.
Kéo theo đó sẽ là các công trình xây dựng phục vụ cho mục đích nghỉ dưỡng cùng văn hóa tín ngưỡng. Và nó cũng kéo theo cả câu chuyện dài về kiến trúc La Mã tại thành phố này.
Vậy nên, ngay cạnh Roman Baths, bạn nhìn thấy nhà thờ Bath Abbey. Đây là kiểu nhà thờ – tu viện cuối cùng theo phong cách kiến trúc Gothic của thời Victoria. Bên trong đó là những khung cửa sổ khảm thủy tinh sặc sỡ, kể lại câu chuyện tín ngưỡng được thờ phụng nhiều nhất tại đất nước này.
Hoặc rẽ ngay góc phố, bạn chứng kiến tòa kiến trúc hình lưỡi liềm chạy dài, ôm quanh một khoảng bãi cỏ rộng lớn. Đây chính là tòa nhà Royal Crescent nổi tiếng theo phong cách Georgian. Và bạn có thể nằm ườn trên bãi cỏ để thư thả hưởng buổi nắng sớm.
Nhưng Bath đâu chỉ có câu chuyện về kiến trúc. Nên nhớ, đây là thành phố nghỉ dưỡng.
Vậy nên, một khi đến Bath, nghĩa là bạn đến với thành phố của các hoạt động nghỉ dưỡng và hưởng thụ. Dạo quanh khu quảng trường trung tâm, bạn hòa mình vào nhịp sống đầy sinh động, nhưng không ầm ĩ của những bản nhạc cổ điển mà lại hiện đại. Đến Bath là đến với những khu vườn nhỏ xinh theo phong cách thời Victoria, đến với những bảo tàng và phòng tranh trưng bày hoặc những khu nhà đọc sách theo đúng chất Anh.
Nếu chúng nghe “hàn lâm” quá – ít nhất là với tôi – thì hãy dành tâm hồn cho câu chuyện ẩm thực tại nơi đây.
Bath mệnh danh là xứ sở của món phô mai Cheddar nổi tiếng năm châu bốn bể. Và nơi đây, khi bạn nếm thử món Cheddar này, thì dù không thích phô mai kiểu “mốc meo” như thế này thì cũng phải công nhận là nó ngon thật!
Nhưng hãy khoan, Bath còn nổi tiếng với món cà phê ngon tuyệt cú mèo – nếu bạn là người thích dòng cà phê hạt Arabica thanh dịu.
Nhưng đến nước Anh, thì cũng phải một lần thưởng thức tiệc trà chiều theo phong cách Anh chứ nhỉ?
Và bạn đã đến đúng nơi rồi đấy.
Vì sinh ra đã dành riêng cho quý tộc, nên Bath có nhiều nơi cho bạn thưởng thức tiệc trà chiều theo kiểu Anh điển hình. Thú vị hơn cả là lúc tôi đến, thành phố này mở lễ hội dành cho những ai hâm mộ Jane Austen. Vậy nên, khi rảo bộ dọc theo con sông Avon, tôi chứng kiến cảnh người người trong trang phục mô phỏng các nhân vật hay kiểu áo trong thế giới truyện của Jane Austen đầy trên phố.
Nơi đây, người ta hâm mộ cái không khí của thế giới Jane Austen đến cuồng nhiệt. Hoặc ít ra là lúc tôi đến, người người nhà nhà thi nhau làm tôi hoa mắt chóng mặt.
Những bộ váy eo cao, khoét ngực rộng, váy dài điển hình với những chiếc mũ thắt nơ, vành rộng và loe của các quý cô quý bà, đến bộ cánh lính hoàng gia hoặc quý tộc của anh chàng “nhà giàu mới nổi” – Ngài Darcy – trong series truyện nổi tiếng Kiêu Hãnh Và Định Kiến của Jane Austen, hoặc đức ông Henry của Northanger Abbey. Họ thong thả tản bộ dọc theo mọi ngả đường, với những chiếc dù vải duyên dáng cho quý bà và gậy dù màu đen đặc trưng dành cho quý ông, cười khẽ đầy uyển chuyển và sự tao nhã trong từng cử chỉ chuyện trò.
Đâu đó, trong cái không gian ấy, thêm một ít thì thành kệch cỡm, mà thiếu một ít thì lại thành trưởng giả học làm sang.
Hoặc ít ra, người ta đang cố vẽ nên câu chuyện cho một thời huy hoàng của nước Anh dưới thời Victoria.
Mà cũng có lẽ vì thế, mà người ta lại say mê Jane Austen đến nhường vậy. Vì cái lối châm biếm trào phúng của nữ văn sĩ, vì cái cách miêu tả đầy ý nhị của giá trị cao thượng đích thực nhưng cũng đầy kiêu ngạo, không chịu cúi mình dù có cô đơn lạc bước, vì lối sống trào phúng xã hội và cả chính bản thân. Tất cả như vẽ nên một tính cách Anh điển hình để cho người người, lớp lớp thế hệ vẫn luôn khát khao đóng dấu vào thời gian tồn tại của bản thân.
Nhưng ngay bên kia bờ sông Avon, một câu chuyện khác lại được Bath vẽ nên, với những quán pub đặc sắc của chính bản thân thành phố.
Đó lại là câu chuyện của những gì sôi nổi, nhiệt thành và có phần gào thét tự do của người hâm mộ nhạc punk. Hoặc giả là một cái gì đó rất rock chic cho nhân cách khác của thành phố này.
Bước vào các quán rượu hay pub tại Bath, đó là một chuyến phiêu lưu từ thái cực này đến thái cực kia. Bạn có thể tìm được cho mình quán pub hay bar phù hợp với phong cách của mình.
Bạn muốn không gian yên tĩnh để thưởng thức đồ uống ư? Hãy đến với Salamander.
Muốn không gian thân thiện để chuyện trò và kết bạn? Hãy đến The Raven.
Hay tìm lại không gian pub xưa kia tại đất Bath? Hãy đến Old Green Tree và nhớ gọi đồ uống Cider (đủ vị cả). Đây là loại thức uống mà người ta đùa tôi rằng nó là bia làm từ trái cậy. Mà nó đúng là thế thật. Và tôi nghiện cider cũng kể từ đó.
Hoặc tìm đến nơi nào đó hiện đại với nam thanh nữ tú trong những bộ cánh đầy thời trang? Mời bạn đến với Revolution.
Có mất cả tháng tại đây, bạn chưa chắc khám phá hết những hàng quán thưởng thức đồ uống hay bar/pub. Nói như thế để biết rằng, chỉ mỗi đồ uống thôi mà Bath có thể kể cho bạn thêm một câu chuyện dài kỳ nữa về chính nó.
Nhưng đã xong buổi trà chiều, hãy tạm xa chuyện ăn uống để đến với câu chuyện của những cây cầu tại nơi đây. Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng đúng vậy, cầu!
Nổi tiếng nhất ắt phải kể đến cây cầu Pulteney, bắc ngang qua dòng Avon ngay giữa trung tâm thành phố. Bạn chỉ đi bộ tầm mươi mười lăm phút là đến chiếc cầu này, từ trung tâm.
Chiếc cầu dài 45m này bắt mắt ngay từ xa nhìn tới. Với lối kiến trúc bốn nhịp cầu, mặt trên của cầu trông như một phần của dãy nhà trong khuôn viên tòa lâu đài kiểu Georgia – với nhiều cửa hàng và nhà hàng hiện tại đang hoạt động ở bên trong. Đây chính là nét kiến trúc đặc trưng của chiếc cầu này và cũng là yếu tố khiến nó trở nên nổi tiếng.
Mặt sông Avon, cách nó không xa, lại được ngăn nước với kiểu đập tràn ba tầng, uốn mình theo hình cánh cung nhọn đỉnh. Hệ thống điều tiết nước này giúp sông Avon chảy hiền hòa quanh năm suốt tháng.
Toàn bộ khung cảnh của chiếc cầu và đập tràn tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của kiến trúc thời Georgia và giúp nó lọt vào danh sách di sản văn hóa thế giới, cùng di sản loại 1 của Vương quốc Anh.
Nhưng đó chưa phải là kết thúc của câu chuyện về những cây cầu.
Nếu bạn đi bộ xa hơn tí nữa, bạn sẽ đến cây cầu treo Clifton. Hãy đến nơi này để chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của hẻm núi Avon, hay còn gọi là Avon Gorge, nơi con sông Avon chảy qua và khởi nguồn sự sống cho thành phố Bath.
Hãy đi vòng một tí nữa để đến điểm ngắm hẻm núi Avon và cầu Clifton tại Clifton Down. Để trong ánh nắng chiều tà trườn dài theo võng treo cầu, bạn ngắm nhìn những chuyến xe bé nhỏ nhưng tấp nập đầy sinh động dưới kia, với bóng hình tòa lâu đài lẻ loi trên vách đá bờ bên kia, bạn có thể hít đầy lồng phổi và biết rằng: để còn sống và còn được trải nghiệm, thật tốt!
Bath còn vô số câu chuyện nữa chờ bạn khám phá.
Còn câu chuyện của tôi hôm nay, là cảm ơn cô bạn tốt bụng đã chọn Bath làm nơi gặp gỡ cho chúng tôi, hai kẻ mê lạc lối trên bản đồ thế giới, nhưng may mắn có cơi hội gặp nhau, quen nhau và để khi bất ngờ biết có thể gặp lại tại Anh, chúng tôi lại có cơ hội ôn lại chuyện cũ và mở ra những câu chuyện mới tại Bath.
Hoặc có lẽ, Bath đẹp hơn trong tôi vì những kỉ niệm đó!
* Từ Việt Nam, bạn có thể bay đến thủ đô Luân Đôn của Anh, rồi từ đó, bắt tàu hỏa, xe bus đường dài hoặc bay đến sân bay Bristol để rồi từ đó, đi xe bus đến Bath. Vì là tuyến du lịch chính tại Anh, nên bạn có rất nhiều lựa chọn tiện lợi cho mình khi đến đó. Và nếu may mắn săn được vé máy bay giá rẻ, khứ hồi toàn chặng có thể rơi vào khoảng $700 từ Việt Nam đến Luân Đôn, rồi đến Bath.
Ơ, vẫn là bài cho đứa em gái khác họ cùng tông nha. Viết cách đây xa lơ xa lắc á – theo timeline của nó nha~