Nằm tách biệt hẳn về phía Đông của quốc gia Maylaysia, hòn đảo Borneo phân chia thành ba vùng thuộc ba quốc gia khác nhau: Malaysia, Brunei và Indonesia.
Đáp chuyến bay xuống sân bay quốc tế Kota Kinabalu, dù vẫn ở trong lãnh thổ của Malaysia, bạn vẫn sẽ phải qua vòng kiểm tra thủ tục visa tại cửa hải quan để chính thức đặt chân lên vùng đất Borneo thuộc Malaysia. Nơi này như một thế giới khác hẳn với những gì mà phần đông người ta biết đến về đất nước Malaysia.
Tôi ngạc nhiên khi biết rằng nơi này có giá sinh hoạt đắt đỏ hơn hẳn khu vực Malaysia lục địa. Mà cũng phải, nếu xét trên phương diện kinh tế, cái quốc gia Brunei lọt thỏm trong vùng đất Sarawak của Maylaysia, lại nổi tiếng giàu có thịnh vượng từ dầu mỏ thì nền kinh tế của vùng Malaysia đảo quốc dĩ nhiên cũng phát triển dựa trên dầu mỏ.
Đối với dân ham mê xê dịch, trong cái khối ASEAN này thì nơi đây thật khó “đi du lịch bụi” vì ngay cả thuê cái xe máy để chạy long nhong cả ngày cũng đắt chả kém thuê ô tô (và hệ thống đường xá lại không ưu ái cho người đi xe máy mấy).
Nhưng dân du lịch vẫn tìm đến, ít ra là với dân ham mê leo núi, vì nơi này nổi tiếng với đỉnh Kota Kinabalu. Nổi tiếng đến độ mà ngay cả cô bạn người Malay của tôi phải chờ đến tầm đâu đó 2 năm sau khi nộp cái phiếu lấy vé vào cửa để leo núi thì mới có thể thực hiện ước mơ leo đỉnh núi thiêng này. Còn bạn muôn sớm hơn? Cái giá mà các nhà tour đưa ra thật không phải dễ ai cũng đáp ứng được.
Nhưng thứ đầu tiên khiến tôi tò mò đến đây là dấu tích của dân tộc Iban. Tộc người chiếm đa số tại đảo Borneo, nổi tiếng hung bạo với tập tục săn đầu người. Và đại diện tiêu biểu nhất: người chiến binh có tên Monsopiad.
Tương truyền rằng ngày Monsopiad chào đời ra cũng là ngày chim mái Bugang, một loài chim truyền thuyết, làm tổ trên mái nhà của Monsopiad sinh ra một chú chim con. Và do vậy, Monsopiad có được sức mạnh đặc biệt để bảo vệ và phù hộ cho cả ngôi làng nơi Monsopiad được sinh ra. Và đúng như tiên tri, Monsopiad trở thành anh hùng của cả làng vì giết được tất cả những chiến binh từ các ngôi làng khác, kẻ dám thôn tính làng mình. Và minh chứng sau mỗi lần bảo vệ làng thành công là những chiếc đầu lâu của kẻ thù.
Tuy vậy, sau khi trở thành anh hùng, sự ám ảnh khát máu của Monsopiad lại khiến người anh hùng ấy giết chính dân làng của mình. Và kết cục bi thảm là dân làng phải tập hợp lại để giết chính người hùng của làng, nhờ sự giúp đỡ của cái gọi là “black magic” – hay thứ nước pháp thuật tà đạo mà ngày nay, một bộ phận dân sinh sống tại Borneo vẫn lo sợ. Tất cả để tránh thảm họa diệt làng. Nhưng người dân làng vẫn tôn thờ Monsopiad vì chiến công giúp làng diệt hết các bộ tộc khác xâm chiếm làng và họ đổi tên làng thành làng Monsopiad.
Phải, ngay cả truyền thuyết anh hùng của vẫn đất này cũng đẫm máu.
Đến khu làng văn hóa Monsopiad, 42 hộp sọ người khô khốc vẫn còn giữ nguyên, treo lủng lẳng trên trần nhà, theo đúng tục lệ xưa của văn hóa làng Monsopiad.
Thật khó để hình dung ra cuộc sống khắc nghiệt trên hòn đảo này từ cái thời mà các bộ lạc phải đấu tranh với nhau để sinh tồn. Nhưng điều đó không ngăn được những nét phong phú trong đời sống văn hóa của người dân tộc Iban.
Người Iban say mê nhạc sáo, thích chơi trò cà kheo, ưa uống thứ rượu như rượu cần, ham nhảy điệu sành ăn (ồ, họ biết ăn thứ gì và theo cách nào là tốt nhất trong môi trường ấy), hiểu rõ và tôn thờ quy luật đất trời và sống phóng khoáng như chính một phần của tự nhiên.
Với nhiều người, đó là sự bạo tàn. Đối với người Iban, đó là quy luật cuộc sống. Và chỉ khi bạn nắm rõ quy luật, bạn mới chính thức là người tự do.
Đến với Sabah ngày nay, bạn sẽ không còn tìm thấy tập tục săn đầu người này nữa (đã không còn tồn tại từ cách đây ít nhất là 20 năm). Thế giới hiện đại ngày nay đã tạo nên môi trường sống khác cho người dân Iban.
Nhưng nguồn sống dồi dào của hòn đảo, tạo nên nền văn hóa đa dạng cho người Borneo nói chung và người làng Monsopiad nói riêng vẫn còn đó.
Bạn có thể trèo lên đỉnh Kinabalu linh thiêng theo tín ngưỡng nơi này, tắm mình trong làn nước xanh biếc của những hòn đảo ngọc vắng khách du lịch như Manukan, Kapalai hay Pulau (nếu bạn chưa biết thì những hòn đảo xứng danh là Maldives của châu Á), lặn ngắm san hô và vô vàn loài cá sặc sỡ chỉ trong vài sải tay, thử sức với món đuông dừa hay nếm món salad cá sống có tên Umai, là món truyền thống của nhiều dân tộc nơi đây, thưởng thức loại nước dừa đắng của vùng Kuching hay chỉ đơn giản là ngồi ven biển ngắm khoảnh khắc giao ngày nửa tối nửa sáng như mắt quỷ trong khi nhâm nhi món vẹm nướng thơm lừng theo kiểu Borneo.
Borneo có ít thứ để “phượt”, nhưng cũng có thể có quá nhiều thứ cho dân ưa xê dịch ít ngày. Đặc biệt là nếu bạn không muốn đến nơi chen chúc với khách du lịch khác như những nơi khác.
* Để đến được Sabah, bạn có thể bay từ Việt Nam sang Kuala Lumpur hoặc Băng Cốc, rồi từ đó, đáp chuyến bay sang Sabah. Nếu bạn chăm chỉ săn vé rẻ của hãng hàng không AirAsia, giá vé khứ hồi từ Việt Nam chỉ tầm $70.
Để ra các đảo, bạn chỉ cần đến bến tàu và chọn nhà tàu. Giá niêm yết công khai bằng tiếng Anh. Trung bình đi thăm 2-3 đảo, đi về trong ngày (không ăn uống) thì giá tầm $70-100, tùy nhà tàu và thời điểm.
Để đi lại quanh các bang trên đảo Borneo, phía thuộc Malaysia, tốt nhất là bạn thuê xe ô tô theo ngày khoảng $30/ngày. Giá xăng dầu rẻ và nếu bạn biết lái xe, việc này sẽ giảm chi phí chuyến đi rất nhiều vì phương tiện công cộng tại Borneo hầu như là không có (và cũng không tiện lợi). Bản đồ Google hoạt động tốt tại khu vực này của Malaysia.
*Đây là viết cho lần đi vào cái thời bay đến Borneo du lịch là cái gì đó rất “kỳ quặc” nha.