Đối với những ai chưa từng đến Cuba hay La Havana – trái tim của Cuba, đây hoặc là vùng đất phủ đầy màu sắc điện ảnh từ bộ phim Bố già, hoặc là vùng đất của sự nghèo nàn và kém phát triển từ một quốc gia bị cấm vận và khép kín với phần lớn của thế giới.
Còn với tôi, đó là vùng đất vẫn lưu giữ được nguyên vẹn chất Latinh nồng nhiệt của vùng Caribe.
Tấm áo khoác lên La Havana là thứ khiến nhiều người chắc chắn sẽ hoài niệm hoặc mong muốn tận mắt chứng kiến – và muốn lưu giữ vì nét ăn ảnh của nó.
Từ cầu tàu tấp nập hướng ra biển Caribe, đến những con phố tản bộ dọc bờ biển sôi động vào cuối giờ chiều đến tận sáng hôm sau, đến khu vực quảng trường lớn nhỏ mô phỏng đường nét kiến trúc từ thủ đô Washington của Hoa Kỳ, đến những ngôi nhà san sát nhiều màu sắc “sặc mùi” phong cách Tây Ban Nha, đến những chiếc xe Chevy, Lada, Nash Rambler – hoặc thậm chí là Cadillac ’59 – được xếp hàng hiếm, hàng cổ ở đâu đó ngoài Cuba, đến khu chợ sạp vắng khách vào tầm chợ giữa sáng – tất cả đều tạo nên hình hài chỉ riêng La Havana mới có. Và không thể lẫn vào đâu được.
Chỉ ở La Havana, với khoảng 10 đồng ngoại tệ (còn gọi là CUC, tương đương $10), tôi có thể bắt chuyến taxi trên chiếc xe Chevy cổ và cũ, dạo quanh thành phố trong suốt ngày.
Chỉ ở La Havana và Cuba, bạn có thể tiêu bằng hai hệ thống tiền tệ song song tại một quốc gia. Và nếu bạn biết nói tiếng Tây Ban Nha theo khẩu âm vùng châu Mỹ Latinh chút ít thì thay vì mất 1 đồng CUC cho mỗi lượt lên xe bus, bạn chỉ mất có 1 đồng nội tệ (tức là rẻ hơn khoảng 25 lần!!!).
Chỉ ở La Havana bạn mới biết thứ đồ uống Piña Colada đậm vị dừa đến vậy – hoặc ít nhất là đậm vị nhất trong số những quốc gia thuộc vùng châu Mỹ Latinh mà tôi từng đặt chân đến. Và giá của nó chỉ 5 đồng nội tệ.
Chỉ ở La Havana bạn mới thấy được khung cảnh của Washington từ những năm 1920 hay 1930, khi nơi ấy vẫn còn ngổn ngang trong mớ sắt thép xây dựng. Hoặc có lẽ vì thế mà nhiều người Hoa Kỳ muốn đến La Havana để nhìn xuyên qua El Capitolio, thấy được hình ảnh thực tế của Washington những năm đầu xây dựng chăng?
Cũng chỉ ở La Havana bạn bắt gặp một hình ảnh khác của thủ đô từ bờ bên kia của biển cả, phân chia La Havana thành hai phía riêng biệt; một đầy sôi động, nồng nặc mùi vị của một thành phố đứng giữa thời kỳ giao thoa văn hóa và một đầy câm lặng như chính pháo đài Fortaleza de San Carlos de la Cabaña canh giữ cho thành phố, kiên trì không chịu thay đổi nếp sinh hoạt để giữ một góc riêng bản sắc Cuba.
Rất nhiều cái “chỉ có ở La Havana” mới có. Nhưng có một cái mà ít ai nhắc đến cho tôi trước khi tôi đặt chân đến nơi này.
Nhạc Cuba.
Người dân nơi đây say mê âm nhạc đến mức cứ đến tầm 3-4 giờ chiều, trên những con ngõ đủ nhỏ, len lỏi giữa những tòa nhà kiểu Tây Ban Nha cũ và xuống cấp, khi cái nóng vùng Caribe không còn quá oi bức, mọi người – từ già đến trẻ – đều đổ xô ra đường; hoặc ngồi trên bậc thềm nhà, hoặc trên những chiếc ghế bé con ven đường; và bật nhạc hết công suất và nhảy múa, cười, hát đến tận 11-12 giờ đêm.
Dĩ nhiên, nếu bạn đến các khu vực du lịch tại Havana như phố Prado hay La Havana Vieja, buổi tối sẽ luôn luôn sôi động tiếng nhạc từ những quán bar đầy phong cách – và giá cả cũng hơi đắt một tí. Nhưng để “thấm” phần nào niềm đam mê âm nhạc của dân Cuba, hãy đến những con phố nhỏ hơn quanh các khu vực du lịch ấy (và lại miễn phí).
Hoặc đến với những lễ hội âm nhạc được tổ chức thường kỳ tại La Havana.
Tôi may mắn được đến La Havana đúng dịp của lễ hội âm nhạc Arte en la Rampa (hay còn gọi là AR). Đến đây, dù bạn là ai, đến từ đâu, nói ngôn ngữ gì hay thuộc văn hóa gì, tất cả đều không quan trọng. Mọi người đều lắc lư thả mình trong thứ âm nhạc không biên giới.
Ngạc nhiên hơn nữa là những lễ hội kiểu này lại luôn tụ hội nhiều dòng nhạc và được biểu diễn bởi các nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới – dù trong tình hình cấm vận với Cuba.
Và nếu được hỏi, người Cuba sẽ vô cùng tự hào về âm nhạc của họ, một thứ âm nhạc có cái tên riêng: nhạc Cuba, một trong những nền âm nhạc phong phú nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.
Thế nên, khi đến với La Havana, cho dù bạn chỉ là một lữ khách tạt ngang vài ngày, cho dù bạn không biết gì về âm nhạc hay vũ điệu, tôi vẫn thật lòng khuyên bạn nên ít nhất một lần hòa nhịp vào giai điệu đường phố La Havana, ở bất kỳ góc phố nào, để thấy được một nét Cuba còn nguyên vị đam mê.
* Để đến La Havana: Cách nhanh nhất từ Việt Nam là bay sang thủ đô Moscow của Nga, sau đó thì nối chuyến đến La Havana. Hãng Aeroflot khai thác đường bay này và giá khứ hồi trung bình là $1.300. Một cách khác là bạn bay từ Việt Nam sang Pháp (hãng Air France) hoặc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) và nối tuyến của cùng hãng để sang La Havana. Nếu dùng cách này thì giá khứ hồi trung bình sẽ rơi vào khoảng $2000, nhưng chú ý là nếu là công dân Việt Nam, xin visa vào Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Pháp sẽ khó hơn khi xin vào Nga.
* Nếu có cơ hội, hãy nhớ đổi và giữ lại đồng nội tệ có in hình Che Guevara làm quà lưu niệm. Đôi chỗ, bạn sẽ phải mất phí để đổi được đồng tiền này (thông tin cập nhật nhất tôi có được là có thể chính phủ Cuba sẽ ngừng phát hành đồng tiền nội tệ có in hình Che Guevara).