Lúc biết đến cái tên công viên quốc gia Chiribiquete thì mình đã đi được nửa thời gian hành trình dành cho Colombia. Và cũng vì nó mà mình thay đổi luôn cả kết hoạch chu du ở Colombia ngay và luôn!!!
Tất cả là tại cái anh bạn ở Medellin.
Tự dưng một ngày đẹp trời, khi cả đám đang ngồi tính xem cuối tuần này nên đi đâu chơi tí (thì ở lâu ở Medellin cũng hơi chán – đối với dân “gringo” thì là vậy). Rồi cái tên Chiribiquete nó tuôn ra từ miệng của anh bạn này. Rồi tò mò lại hay táy máy, thế là mình tăng xông, quyết tâm đi Chiribiquete cho bằng được – sau khi nghe xong chuyện anh bạn này kể là ước muốn đến đó.
Nói đến cái này thì đúng là mình cũng may lắm. Sự là như thế này.
Bạn muốn đến Công viên quốc gia Chiribiquete? Có thể. Vấn đề là để đến và thăm thú khu vực này thì chỉ có đường hàng không. Nhìn cái bản đồ thì đúng là không có đường bộ (cái thủ phủ của bang/tỉnh này nó nằm cách xa tít tắp ở phía bắc và trục đường bộ chỉ chạy xa tầm 50km là cùng, tính từ trung tâm thủ phủ này). Có đường sông; cơ mà sông thì khúc to khúc bé, thuyền rộng cỡ 10m trở lên là bó tay, rồi thì dân thổ địa cũng không có dịch vụ thuyền bè (cái này liên quan đến an ninh khu vực này – mình sẽ kể sau), nên tóm lại là đường sông: không khả thi. Và đường hàng không là cách duy nhất.
Hay ho cái là chính quyền Colombia lại giới hạn: chỉ 200 chuyến bay mỗi năm qua khu vực này đối với mọi hoạt động khai thác thương mại, kể cả du lịch.
Lý do: bảo vệ khu vực này đến mức tối đa có thể – đến mức mà nơi đây được gọi là một trong vài khu vực ít người biết và khám phá nhất trên thế giới vẫn còn sót lại đến ngày nay.
Nó ít người biết đến mức mà ngay cả dân bản xứ – ý mình là dân Colombia nói chung luôn – cũng biết mơ hồ về khu vực này. Còn thế giới? Nghe đâu đến tận năm 2018 thì nơi đây mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (và người nước ngoài mới biết đến – dù vẫn vô cùng ít).
Câu chuyện “ít người biết đến này” – theo người bạn bản xứ của mình thông tin – thì đây là một hình thức để bảo vệ Chiribiquete.
Cô bạn bản xứ này của mình (và may là mình vô tình quen biết) là nghiên cứu sinh tiến sĩ về sinh vật học khảo cổ tại Colombia. Trùng hợp, vị giáo sư hướng dẫn đề tài của cô bạn lại là giám đốc bảo trợ chương trình bảo vệ Chiribiquete của Colombia. Vậy nên, lúc biết mình sắp bay đi thăm Chiribiquete với tư cách là khách du lịch, cô bạn ấy nửa đùa nửa thật nói rằng mình không nên nói chuyện này với giáo sư hướng dẫn của cô ấy.
Với diện tích hiện nay khoảng 43 nghìn km² sau hai lần mở rộng (là hiện là công viên quốc gia lớn nhất của Colombia), thật khó tin là người ta phát hiện ra Chiribiquete một cách rất vô tình. Đó là một ngày, một vị khoa học gia đang trên đường bay từ một công viên quốc gia gần kề về Bogota, thủ đô của Colombia thì đột nhiên gặp điều kiện thời tiết khó khăn. Vậy nên, người ta bẻ lái chiếc trực thăng sang hướng khác để tránh giông bão. Rồi tự nhiên, vị này phát hiện ra phía dưới là một khu vực hoàn toàn lạ, chưa từng có trên bản đồ nghiên cứu khoa học cũng như bản đồ dân sự. Vậy là có chuyến bay thứ hai, rồi thứ ba trở lại khu vực này. Và từ đó, Chiribiquete ra đời.
Vị trí địa lý đặc biệt của khu vực này mang lại sự đa dạng có một không hai tại Colombia và trên khắp thế giới. Cô bạn của mình nói rằng trong giới của cô ấy, người ta thậm chí còn bảo cứ mỗi chuyến đi khảo sát nghiên cứu khoa học, người ta lại tìm ra được nhiều loài động thực vật mới!
Rất nhiều loài chưa được biết đến, chưa được đặt tên và chưa được khám phá – và đến hiện tại, chính phủ Colombia vẫn đang hạn chế tối đa việc tiếp cận khu vực này – kể cả vì mục đích khoa học – không chỉ vì vấn đề di chuyển khó khăn, tốn kém, mà còn vì một lý vô cùng đặc biệt khác.
Đây là nơi duy nhất còn lại trên Trái Đất này vẫn tồn tại các bộ tộc thổ dân thuần bản địa. Họ đã và đang sinh sống tại khu vực này trong suốt hàng chục ngàn năm, canh giữ vùng đất thiêng, theo tín niệm của các bộ tộc Amazon bản địa.
Nhưng mà ở Brazil hay Peru cũng có các bộ tộc người Amazon mà, khác gì đâu?
Điểm vô cùng đặc biệt ở đây là: họ từ chối tiếp xúc với thế giới hiện đại bên ngoài và vẫn duy trì tập quán, lối sống, tín ngưỡng, phong tục từ thời tổ tiên của họ cho đến ngày nay.
Nói ví dụ, bạn từng thấy các bức tranh vẽ trong hang động từ thời tiền sử rồi chứ? Những bức vẽ trong tường hang động, màu đỏ và/hoặc đen – cái màu đất vô cùng đặc trưng ấy, mô tả về các loài động thực vật thời tiền sử, rồi cả cảnh săn bắn của con người từ thuở xa xưa đó. Giá trị của những bức vẽ này thì khỏi bàn cãi rồi, nhưng điểm chung nhất thường thấy là những tộc người vẽ nên các bức vẽ ấy hiện đã không còn tồn tại – theo đúng nghĩa đen lẫn bóng.
Chiribiquete lại khác.
Họ vẫn tồn tại. Họ còn cố gắng phát triển song hành với thế giới hiện đại – theo cách của riêng họ.
Rải rác khắp khu vực rộng lớn của công viên quốc gia Chiribiquete là vô số các bức bích họa trên tường đá mà chúng ta, những “người đến từ thế giới bên ngoài” – theo ngôn ngữ của họ, vẫn chưa thể thấy hết chứ nói gì là hiểu được (và hiểu đúng). Vị giáo sư đáng kính của cô bạn sinh vật học khảo cổ của mình đã dành hơn 30 năm cuộc đời để khám phá và tìm hiểu ý nghĩa của những bức bích họa này – và theo ông, chắc phải hơn 100 năm tâm huyết nữa thì mới may ra giải mã được ý nghĩa chính của niềm tin, tín ngưỡng, tục lệ được vẽ trên tường đá.
Điều đáng nói là các tộc người thổ dân vùng Chiribiquete vẫn tiếp tục vẽ lên tường đá, theo đúng tập tục, lễ nghi và niềm tin truyền lại từ thời tổ tiên cách đây vài chục ngàn năm (có khi là từ khi người tối cổ vùng Amazon xuất hiện ấy chứ!).
Theo phát hiện mới cập nhật nhất thì hình vẽ cổ nhất được xác định là cách đây khoảng 25 nghìn năm, và hình vẽ mới nhất thì được thực hiện cách đây khoảng 15 năm!
Để vẽ, người của các bộ tộc này phải vượt hàng trăm hàng nghìn cây số để đến những khu vực linh thiêng đặc biệt, theo tín ngưỡng của họ. Nó là cuộc hành hương tâm linh của họ, kéo dài vài tháng và vài năm lại hành hương một lần – vượt qua khu vực rừng rậm dày đặc (mình phải nói là dày đặc! Và người ta chỉ đi bộ, rồi dùng bè gỗ vượt sông thôi nhé!) để đến vài khu vực núi đá chọn lọc, được gọi là “tepui” (nghĩa là núi trông như một cái bàn phẳng thả từ trên trời xuống). Tại đó, họ thực hiện nghi lễ, rồi chế và trộn loại “mực vẽ” để vẽ tranh lên tường đá.
Những gì thể hiện trên các bức bích họa không phải là ngẫu nhiên hay tùy hứng. Đến hiện tại, người ta cho rằng hình vẽ càng to thể hiện tầm quan trọng càng lớn của đối tượng vẽ. Phần nhiều, hình vẽ lớn sẽ nằm trên cao – càng cao thì ý nghĩa càng linh thiêng. Đối tượng vẽ tựu chung là động thực vật, người, các hình dạng hình học và nhóm cuối cùng: chưa thể giải mã.
Những bức vẽ này là cách người thổ dân nơi đây “trao đổi” với thần linh của họ. Có lẽ vì thế nên các bức vẽ thường ở nơi rất xa xôi hẻo lánh (mình khi biết thông tin này: “trời ơi, đến đây là hẻo lánh lắm rồi, vậy mà họ còn muốn “xa hơn”?) và các bức vẽ lại ở rất caooooo. Ý mình là, vách đá tepui nó không phải cao kiểu vài chục mét, mà là vài trăm mét – dựng đứng!
Làm sao họ có thể leo được đến vị trí đó, với phương tiện vô cùng thô sơ để vẽ và thực hiện nghi lễ kéo dài vài tuần?
Ấy vậy mà những con người này đã và vẫn làm được. Họ làm như thế lâu đến mức khi bạn có cơ hội tận mắt nhìn được những bức vẽ ấy, bạn sẽ thấy mình thật sự đang sống ở thế giới tiền sử. Ít nhất là mình cảm thấy như vậy.
Thế giới ấy nó đã sống, đang sống và vẫn sẽ sống – song hành với thế giới “hiện đại” này, như một kỳ tích vậy.
Chưa ai từng gặp mặt được họ. Nhưng họ vẫn giữ sợi dây kết nối với thế giới bên ngoài, chỉ để cho thế giới bên ngoài biết đến ý chí của họ. Ở đây cũng có một điểm thú vị. Họ tình nguyện từ chối tiếp xúc với thế giới bên ngoài, vậy làm sao chúng ta biết đến sự tồn tại của họ và “hiểu” được ý chí của họ?
Câu trả lời là khu vực Amazon này thường có vài chục bộ lạc sinh sống ở khu vực vùng đệm – hay vùng rìa của rừng rậm. Họ vừa là người bảo vệ vòng ngoài, vừa là cầu nối giữa các bộ tộc sinh sống bên trong rừng rậm và thế giới bên ngoài. Chính nhờ những bộ lạc vùng đệm này mà ngày nay, người ta ước đoán được rằng có khoảng trên 5 bộ tộc nguyên thủy vẫn đang sinh sống trong rừng, với lối sống, tập tục, tín ngưỡng nguyên vẹn như tổ tiên của họ cách đây ít nhất là 30.000 năm. Cũng nhờ các bộ lạc vùng đệm này mà ngày nay, người ta biết rằng các bộ tộc trong rừng không muốn tiếp xúc với chúng ta, “người của thế giới bên ngoài” vì họ sợ, thảm họa diệt tộc sẽ xảy ra với họ.
Đúng vậy, là diệt tộc!
Đã từng có lúc, một vài bộ tộc trong số ấy tiếp xúc được với thế giới bên ngoài – cũng lâu lắm rồi, kiểu như thời thực dân Tây Ban Nha đến xâm chiếm Colombia và khoảng thời gian dài chiến tranh thuộc địa ấy. Nhưng rồi, vì họ phát triển theo một hướng khác của dòng chảy tiến hóa nhân loại, nên những đứa con bộ tộc ấy lại dễ nhiễm bệnh vô cùng, chỉ từ một loại bênh cơ bản – với chúng ta – cảm cúm. Hệ miễn dịch (và cả gen) của họ, vì lý do lịch sử và địa lý, không thích ứng được với những con vi khuẩn, vi rút đã tiến hóa và thích ứng với cơ thể con người hiện đại. Kết quả tất yếu là cả bộ tộc bị diệt – sạch sẽ một cách tàn nhẫn.
Những bộ tộc còn sống sót, họ đã thông minh rút lui, và từ đó, từ chối tiếp xúc với phần còn lại của thế giới loài người bên ngoài rừng rậm Amazon. Rồi họ viết tiếp câu chuyện lịch sử – của loài người – theo cách riêng của họ. Và may mắn thay, chính phủ Colombia tiếp nhận ý kiến chính đáng của họ, và tích cực bảo vệ họ – cho đến tận ngày nay!
Nhưng có những thứ vô hình lại rất dễ tác động đến họ – những bộ tộc hiện đang sinh sống sâu trong rừng rậm thuộc Chiribiquete này.
Vì thế mới có chuyện hạn chế số lượng chuyến bay đến đây. Rồi mới có chuyện, dù bay đến đây thì cũng phải theo đúng lộ trình đặt ra (và được kiểm tra vô cùng nghiêm ngặt!).
Thế nên mới nói, mình may mắn thật!
Người đầu tiên “phát hiện” ra nơi này, và bảo quản, trông coi nơi đây kể từ đó vì mục đích khoa học và nhân văn, lại vô cùng “cứng đầu” – nói theo ngôn ngữ của những nhà điều hành tour. Vì ông coi nơi đây là đứa con của mình, cực kỳ bảo vệ hệ sinh thái của khu vực này. Nói gì thì nói, đây là nơi duy nhất còn sót lại trên thế giới mà trong đó, tồn tại các bộ tộc vẫn còn sinh sống theo lối săn bắt – hái lượm thời tiền sử trong rừng rậm nguyên sinh theo đúng nghĩa đen.
Người “tìm ra” nơi này phản đối việc phát triển du lịch – thậm chí là không muốn ai biết đến nơi này, trừ giới khoa học. Nhưng với sự phát triển của thế giới hiện đại, một mình là không đủ (đây là một câu chuyện dài đầy xúc động khác). Hiểu rằng như một lẽ phát triển tất yếu, ông không ngăn được sức mạnh tàn phá của “du lịch”, chính phủ Colombia bước vào cuộc chiến. Và cũng vì thế mà mãi đến năm 2018, nơi này mới chính thức bước vào danh sách của UNESCO, để làm cơ sở cho việc bảo vệ khu vực này trên bình diện khu vực và quốc tế.
Chỉ có vài công ty du lịch tại Colombia là được phép đón khách du lịch bay tham quan vùng Chiribiquete. Đó là họ còn phải đảm bảo đúng cả khâu thực hiện và hậu dịch vụ.
Đến đây thì mình phải cảm ơn những người bạn tại Colombia Oculta vì họ đã làm hết mình để mình có thể hiện thực hóa chuyến bay này.
Chờ đợi mỏi mòn gần 1 tháng kể từ khi đặt tour, mình mới được tin là: chỉ có duy nhất 1 khách khác muốn đi. Tại thời điểm ấy, quả là làm khó cho họ, vì thường 1 tour thế này phải có ít nhất 8 khách. Vì chỉ riêng chuyện bao nguyên cả cái máy bay trực thăng, rồi xin phép là đủ mệt. Vậy mà giờ, chỉ có 2 khách!
Anh chủ đến 1 tuần trước khi bay thật máu chiến: Đi, lỗ cũng đi!
Và đó là chuyến bay thứ 25 của họ – kể từ khi thành lập công ty. Mà đây là một trong vài công ty du lịch có tiếng tại Colombia rồi đấy. Thật làm khó cho cả họ, lẫn mình. Nhưng thế mới nói là mình may, vì cuối cùng, mình đã thực hiện được chuyến đi này đến Chiribiquete. Một chuyến đi chỉ có tổng cộng 4 người – 1 phi công, 1 hướng dẫn viên kiêm hậu cần kiêm đủ thứ và 2 vị khách (một từ Việt Nam, một từ Vương quốc Anh).
Có lẽ là cảm giác thỏa mãn vì cuối cùng đã được đến nơi đây, cũng có thể là cảm giác chuẩn bị được nhìn thấy khu vực nguyên sinh hiếm khi được nhắc đến. Dù là gì đi nữa thì phải nói rằng, khi bay qua vành biên “vô hình” của khu vực rừng rậm, dù đang ở trong máy bay, thì mọi giác quan của mình đều như đánh thức – theo kiểu, quay về với cội nguồn sự sống, nơi thủy tổ con người lần đầu xuất hiện ấy. Nó như thể, chỉ cần hít thở bầu không khí thôi là đã thấy mình “về nguồn”.
Cảm giác ấy, nói thực, là vô cùng khó diễn tả. Và cũng là lần đầu tiên với mình. Đi qua vài nơi, nhưng chưa nơi nào mang lại cái cảm giác ấy: ngưỡng mộ, sợ hãi, thành tín, rồi xúc động đến lặng người, xen lẫn cảm giác gột rửa mọi hiện diện vô hình, hữu hình; rồi khát khao, hy vọng, cả sự thất vọng và hồi sinh.
Một chuyến bay chỉ vài giờ, cũng không ai được phép đặt chân xuống (chỉ có các nhà khoa học nghiên cứu mới được phép hạ cánh tại khu vực này), nhưng mình trải qua mọi cảm xúc mà chưa có chuyến bay du lịch nào mang lại cho mình, kể từ khi đặt chân ra khỏi Việt Nam đến giờ.
Bạn phải đi để tự mình cảm nhận thì mới tin điều này!
Đến tận khi kết thúc chuyến bay, cả 2 vị khách vẫn trong trạng thái mơ màng. Đó là chuyến đi vô cùng thành công, với cả 2. Mình muốn kéo dài thêm thời gian chuyến đi – Colombia Oculta cũng muốn. Nhưng đành hẹn dịp khác vì vô vàn khó khăn để hiện thực hóa được vài tiếng bay qua vùng này.
Rời đi, nhưng nơi đây để lại nhiều cái kết mở, nhiều câu hỏi ngỏ.
Những câu chuyện về khu vực Chiribiquete này, hệ sinh thái cuộc sống tại nơi đây, hành trình đấu tranh sinh tồn của vùng đất này, những nền văn minh khác và chưa từng biết đến của một góc Amazon, cùng nhiều điều chưa biết khác, tất cả biến nơi này giống như biến giấc mơ “trở về thời tiền sử” hoặc giấc mơ Indiana Jones thành hiện thực.
Nơi đây, người ta không thể biết quá khứ đến từ đâu, hiện tại đang đi đâu và tương lai sẽ về đến đâu. Như chính câu hỏi vĩ đại của lịch sử loài người.
Nơi đây, là một thế giới khác!