Thủ đô Lima của Peru cách đây khoảng 4-5 năm là một nơi đang diễn ra tình trạng “bạo động ngầm” – dùng chính xác theo từ mà người bạn Peru của mình nói. Đó là thời điểm chính quyền Hoa Kỳ cùng Colombia đang tăng cường quân đội để càn quét các khu vực nổi cộm và là điểm nóng về trồng thuốc phiện tại Colombia. Cũng chính vì thế, các băng đảng tại Colombia chuyển dần hoạt động sang các khu vực khác để “lánh nạn”. Và Lima dĩ nhiên là nằm trong tầm ngắm.
Mình vẫn nhớ lúc ấy, tin tức trên báo in và truyền hình đều ra rả các vụ bắn giết và thanh toán lẫn nhau. Người vô tội chiếm phần đông.
Tình hình căng đến mức mà anh bạn người Peru này bảo rằng lúc này, Mira Flores là khu vực duy nhất còn an toàn tại Lima – mà đó là “khu nhà giàu” tại thủ đô này. Nghĩa là dân thường phải tự bảo vệ mình bằng cách không ra khỏi nhà sau 9 giờ tối.
Đây là tình hình lúc mình đặt chân tới Lima, Peru.
Từ nơi mình ở nhờ, nhà của anh bạn Peru này, bất kỳ thời điểm nào nhìn ra chiếc cầu vượt đường bộ đều có thể thấy một toán lính từ 3-5 người, vũ trang đầy đủ, đứng canh gác và kiểm soát – trong một nỗ lực của chính phủ giúp đảm bảo dân thường không gặp nguy hiểm khi phải ra khỏi nhà sau 9 giờ tối.
Căng thẳng như vậy, nhưng gia đình anh bạn người Peru vẫn rất hào phóng, nhiệt thành và cởi mở để đón nhận một người con đất Việt đến thăm Peru lần đầu – rồi cứ trở đi trở lại liên tục vì đó không chỉ là “chỗ trọ tạm thời”.
Đó là một gia đình bình thường, sống một cuộc đời phi thường và đặc biệt, có một con người Peru đáng nể phục với mình.
Mẹ của anh bạn Peru!
Câu chuyện gia đình của bà bắt đầu như bao người phụ nữ thông thường khác tại Peru. Học hết cấp ba, gặp gỡ rồi kết hôn với bạn trai và bỏ dở học hành, dừng tại điểm “tốt nghiệp cấp 3” – tính theo hệ tương đương của Việt Nam.
Ở nhà làm nội trợ, chăm lo cho gia đình bên nội, bên ngoại, cùng chính gia đình nhỏ của mình. Sau khi sinh 2 người con, chồng – là cảnh sát – gặp tai nạn nghề nghiệp khi ngăn cản ẩu đả giữa các nhóm giang hồ, trong lúc đang mang thai đứa con thứ 3.
Lúc này, bà đưa ra quyết định: phải học tiếp để cứu sống gia đình!
Mình không thể hình dung được những khó khăn và sự can đảm của người phụ nữ này khi ra quyết định như thế, trong hoàn cảnh: chồng nằm liệt giường + cần chăm sóc toàn thời gian, nuôi 3 người con chưa đến tuổi để lao động phụ giúp gia đình, chăm lo nội ngoại và đảm bảo sinh cơ cho gia đình, rồi còn phải lo học phí khi tiếp tục theo đuổi con đường học tập – chỉ để vực dậy gia đình.
Vậy mà bà đã làm được và làm rất thành công.
Suốt 20 năm từ khi chồng nằm liệt giường, bà vừa làm công việc tay chân để duy trì cái ăn gia đình và chữa bệnh cho chồng, bà vừa đi học theo chương trình như dạng bổ túc ở Việt Nam. Sau khi lấy được bằng đại học, bà tham gia công tác bảo vệ sức khỏe phụ nữ và gia đình theo chương trình của chính phủ Peru để tận dụng chính sách hỗ trợ phụ nữ làm việc trong cơ quan chính quyền (chủ yếu là để giảm chi phí chăm sóc cho chồng). Đồng thời, bà kiên quyết cho con theo đuổi hết con đường học vấn.
Sau đó vài năm, bà thành lập văn phòng để hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành, phụ nữ gặp khó khăn kinh tế trong gia đình và phụ nữ gặp khó khăn khi và sau khi ly hôn.
Đặc biệt, những người phụ nữ tại Peru chịu thiệt thòi về kinh tế, tình cảm và gia đình khi chuyện liên quan đến ly hôn. Thời của bà, chỉ có khoảng vài chục văn phòng luật chịu nhận các ca liên quan đến hỗ trợ phụ nữ khi ly hôn (mà đây là ở thủ đô đấy nhé), vì nó theo tâm lý “ai cũng thế” khi tình hình chung là hậu ly hôn, xã hội mặc định rằng phụ nữ phải chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái, người bố không cần đóng góp hay nuôi dạy con và tự do lập gia đình mới.
Tiếp đến, bà theo đuổi lên thạc sĩ ngành luật, tốt nghiệp bằng xuất sắc khi ở tuổi trung niên (chiếm luôn vị trí đầu khóa!), thi đủ các chứng chỉ hành nghề luật để mở văn phòng luật. Từ đây, văn phòng của bà chính thức chuyển sang hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ gặp khó khăn tại Peru.
Bà tự mình chăm chồng, bồi dưỡng bản thân và nuôi 3 người con học thành tài. Tất cả đều từ bàn tay trắng đi lên.
Phải, chồng bà cần người chăm sóc 100% và bà tự chăm chồng. Mình may mắn lúc đến ở thì được dự sinh nhật của chồng bà. Năm nào, bà dứt khoát không quên tổ chức sinh nhật cho bất kỳ thành viên nào trong nhà – đặc biệt là chồng mình. Thật, xúc động lắm luôn!
Nhưng, bà bảo: “mỗi năm, tao vẫn đi chơi 1 lần. Tháng tới, tao sẽ đi du lịch Mỹ 1 tháng”.
Mình hỏi: “vậy chồng ai chăm sóc?”
Bà: “thằng Renzo và em gái nó”.
À, anh bạn người Peru của mình tên là Renzo. Và nghe xong quyết định của mẹ, cả hai ủng hộ nhiệt liệt vì “mẹ phải đi, có bọn con lo bố rồi”.
Người phụ nữ này, lúc ấy, không nói một chữ tiếng Anh nào. Bà nói: “có Google Translate rồi, không thì cứ hỏi thôi. Qua đó chơi thì tao chỉ chơi, tao muốn giải phóng mình hoàn toàn trong 1 tháng”. Vậy là bà tự bắt máy bay, tự sắp xếp hành trình, rồi hưởng thụ chuyến đi như người con gái chưa lập gia đình với bao lo toan công việc và cuộc sống.
Lúc mình về lại Việt Nam, anh bạn mình khoe ảnh của bà mà cứ thấy ghen tị với độ trẻ trung và yêu đời của bà dễ sợ luôn á.
Nói thêm nữa là một mình bà tự lo toan kinh tế gia đình, cho 3 con ăn học thành tài. Con cả đi học và làm tại Hoa Kỳ (lúc mình đến thì anh con trai này đang học thạc sĩ), con thứ hai đi học ở Tây Ban Nha, rồi về cùng bạn lập công ty tại Peru (chính là anh bạn Renzo này ới), con gái út học xong đại học trong nước thì noi gương mẹ, vào làm luật sư ở cơ quan chính phủ Peru về hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ. Cả 3 hiện tại đều lập gia đình yên ấm, hỗ trợ mẹ mỗi năm đi du lịch 2 lần và chăm sóc bố ốm đau.
Không những thế, nhờ vào hoàn cảnh công việc mà người phụ nữ này cứu giúp 1 thanh niên “có nhà mà như không có”, cưu mang anh thanh niên này để tránh rơi vào con đường sa ngã – khi tỉ lệ gia đình tan vỡ, thất nghiệp và bạo lực đang gia tăng tại Lima, Peru. Rồi sau đó, người này trở thành con rể của bà luôn, chân thành gọi bà một tiếng là: Mẹ!
Mình đến ở nhờ nhà của bạn mình (mà thực ra là nhà của người phụ nữ này) lần 1, rồi đến khi mình gặp chuyện ở Peru, bà giúp mình xử lý và mình trở thành người bạn của gia đình luôn; mình cứ đi đâu thì đi ở Peru, cứ đến Lima là luôn có “nhà” cho mình về (mấy lần về, anh bạn người Peru của mình không có mặt – vì đi ra nước ngoài vài ngày – thì cũng chẳng sao. Người phụ nữ này lo tất cho mình!).
Còn người phụ nữ này vẫn vậy: nuôi dưỡng tri thức và tâm hồn cho bản thân, không quên làm đẹp cho mình; vẫn tự tay quét nhà, thay bô cho chồng; lôi kéo và tăng cường kiến thức cho nhiều chị em phụ nữ hơn vào việc biết tự bảo vệ mình.
Mình là mình thấy ngưỡng mộ lắm á!