Medan, là một cái tên xa lạ – ít nhất trên bản đồ du lịch của tôi. Nhưng đó không phải là đích đến cho chuyến đi không mục đích, không kế hoạch, không ý tưởng gì trong đầu này.
Khi nghe tôi trả lời rằng tôi đến Medan chỉ để đi đến được làng Tuk Tuk, rồi từ đó, khám phá nơi khiến tôi tò mò – hồ Toba, bác tài xế xe bus vui tính làm cử chỉ như hú lên: “Cháu đến xứ khỉ ho cò gáy ấy làm gì? Mà làm sao cháu biết cái nơi ấy?”, rồi chỉ vào bản thân bác ấy: “Tuk Tuk hả? Bác cũng lái tuk tuk to như cái làng ấy này!” Rồi cười như được mùa lúa vì câu đùa của bác ấy.
Cũng vì bác ấy mà chuyến xe bus dài gần 6 giờ dồng hồ từ Medan đến Parapat, ngôi làng ở bờ đất liền của hồ Toba, trở nên dễ chịu hơn rất nhiều giữa cái nóng cuối tháng 5.
Đến Parapat, mất nửa tiếng để tìm phà để vượt hồ đi ra khu đảo ngay giữa hồ, nơi có cái làng be bé tên là Tuk Tuk.
Nếu bạn đến làng Tuk Tuk để tìm cái ăn ngon, chốn mặc đẹp hay thư giãn kiểu 4-5 sao, tìm cảm giác mạo hiểm điển hình thì bạn sẽ thất vọng. Rất thất vọng. Vì nơi đây đúng nghĩa là nơi “du lịch chết” – tức là hiếm có cái gọi là “du lịch” theo đúng nghĩa – ít nhất là trong thời gian tôi đến thăm nơi này.
Nhưng thanh bình là cái bạn sẽ có được, theo đúng nghĩa từng từ của nó.
Lịch sử của hồ Toba ngược về quá khứ đến tận hàng triệu năm. Cái giá để tạo ra hồ Toba là sự biến đổi hình thái khí hậu gần như trên toàn cầu, tác động đến AND của con người, khiến loài người lúc ấy đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, để ngày nay, nó trở thành hồ núi lửa lớn nhất trên thế giới.
Tất cả từ một vụ phun trào núi lửa Toba, một tổ hợp siêu núi lửa.
Ấy vậy mà khi lướt trên mặt hồ phẳng lặng, nhìn những mái nhà truyền thống của người dân tộc Batak soi mình xuống mặt nước hồ, nghe tiếng rì rầm – không phân biệt rõ là tiếng sóng, tiếng gọi của thiên nhiên hay tiếng cười của lũ trẻ chơi dưới tán cây – tôi vẫn chưa tiêu hóa hết được rằng mình đang ở ngay trên miệng một siêu núi lửa (vẫn hoạt động!) và cảm giác của tôi tại nơi này lại là hai chữ “thanh bình”.
Hòn đảo duy nhất giữa hồ Toba cũng chỉ chấp nhận duy nhất một tộc người sinh sống – người Batak.
Đó là những con người chân thật và nhiệt thành, đôi khi quá mức nhiệt thành – như bác tài xế xe bus, như anh cảnh sát tôi gặp trên đường, như gia đình người Tuk Tuk mà tôi gặp tại điểm ngắm toàn cảnh hồ Toba.
Thấy tôi một mình với con ngựa sắt, anh cảnh sát người Batak chân thật khuyên tôi không nên đi. Không phải vì là một cô gái lang thang một mình, ở vùng đất xa lạ (đường lên đỉnh ngắm hồ Toba đúng là rất hoang vắng), dễ lạc đường khi không nói tiếng Batak. Mà anh khuyên tôi không nên đi giữa trưa chói chang thế này, dễ ốm.
Hoặc như gia đình người Batak thật tử tế khi mời tôi thứ cà phê của dân tộc họ. Một thứ cà phê cũng chân chất như người Batak. Chỉ là hạt cà phê giã thật nhỏ, pha với nước sôi và quấy lên cùng một ít mật mía. Mùi cháy khét do rang cà phê quá lửa. Nhưng vị chân thật của hạt cà phê lại không lẫn đi đâu. Ăn kèm với món bánh như viên bánh mè chiên giòn của người Việt. Và ăn giữa trưa hè nóng nực, khô hanh, cùng ngắm vùng hồ Toba vĩ đại và chia sẻ những câu chuyện về dân tộc Batak sinh tồn tại nơi đang dần bị con người bỏ rơi – bằng thứ tiếng Anh không phải là tiếng bản địa của chúng tôi (chủ yếu là tôi nghe, họ nói).
Tất cả hòa trộn thành một điều gì đó thật kỳ lạ về xứ hồ này.
Dọc theo con đường về phía Tây của đảo là một số suối nước nóng, thác nước và ghế đá truyền thống của dân Batak dùng cho việc xét xử hoặc thỉnh thoảng, chỉ để bắt gặp cảnh những phụ nữ bên canh cửi dệt vải bên đường – thảnh thơi một cách đầy biếng nhác. Và với hiếm hoi lữ khách đến đây, quanh khu vực Pangururan này, điểm ngắm Tele là nơi xứng đáng vượt tầm 30 cây số để đến chiêm ngưỡng kỳ lạ của vùng hồ Toba.
Có lẽ, đó là nơi tưởng chừng như không có gì, ấy vậy mà lại có tất cả những gì con người tìm kiếm: sự thanh bình trong dòng chảy sinh tồn của lịch sử loài người.
* Để đến đó: bạn có thể bay từ Việt Nam đến thủ đô Malaysia hoặc Indonesia, rồi từ đó bay sang thành phố Medan. Giá vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam khi bay với hãng AirAsia rơi vào khoảng $300 khi không có khuyến mãi. Từ Medan, bạn có thể đi tàu hoặc xe bus (mất tầm 4-6 tiếng) để đến Parapat, rồi bắt phà để lên đảo giữa hồ. Giá tàu/xe + phà rơi vào khoảng $20 một chiều. Chú ý lịch phà chạy vì đây không phải là vùng hút khách du lịch.
* Quà lưu niệm: Nếu bạn may mắn, bạn có thể mua được một số món quà lưu niệm làm từ vải dệt từ thớ sợi cây gỗ đàn hương – chủ yếu là áo quần hoặc khăn. Đây là sản phẩm độc nhất vô nhị từ vùng này (thậm chí bạn không thể tìm thấy ở Parapat, khu vực gần làng Tuk Tuk nhất).
* Người dân Batak chủ yếu theo đạo Thiên chúa, nhưng bạn nên ăn mặc lịch sự khi đi dạo quanh đảo vì đó là cách thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa Indonesia nói chung và văn hóa Batak nói riêng.
Viết lâu rồi, vẫn cho cô em gái khác họ cùng tông. Lúc này là lúc Airasia mới mở đường bay từ Kuala Lumpur đến Medan, kiếm được cái vé rẻ $9 đến đây, thế là triển há há