“Đến Bolivia, nhất định phải đi thăm bình nguyên muối Uyuni!”
Hỏi 10 người thì đến 9,5 người sẽ khuyên bạn như thế. Lời khuyên này hoàn toàn có căn cứ xác đáng và đáng từng đồng tiền bát gạo bỏ ra.
Nhưng lại ít ai chịu báo cho tôi biết trước là sẽ khó khăn nhường nào để kiếm được một công ty du lịch hoặc gói tour nào cho phép thực hiện hành trình từ thủ đô Lapaz của Bolivia thị trấn San Pedro de Atacama của Chile trong tầm 7 ngày, hoặc càng nhiều ngày hơn càng tốt.
Tôi có cái tật khó ưa là cứ đến đâu là lại muốn dành càng nhiều thời gian tại đó càng tốt, và tận dụng hết thời gian để chui rúc mọi ngóc ngách và thử hết món ăn ở đó càng tốt.
Vậy nên, chạy loanh quanh khắp thủ đô Lapaz đến gần 3 ngày, tôi may mắn được người bạn Bolivia giới thiệu cho một tour chuyên dành cho khách muốn khám phá dài ngày, để thực hiện hành trình vượt sa mạc xuyên từ Bolivia đến Chile trong vòng trọn 4 ngày 4 đêm.
Mọi công ty du lịch đều khởi hành từ thị trấn Uyuni. Một thị trấn nhỏ, từng là điểm trung chuyển duy nhất trước khi tiến vào khu vực bình nguyên muối, rộng khoảng 12 km vuông.
Mục đích duy nhất khi dừng lại đây là để chất đủ lương thực và nhu yếu phẩm cho chặng hành trình dài phía trước. Đây cũng là nơi bạn thực hiện bước kiểm tra cuối cùng về giấy tờ nếu bạn thực hiện hành trình xuyên biên giới.
Có lẽ vì thế mà thị trấn này hầu như không có gì đáng thăm thú với đa phần khách du lịch. Duy chỉ có một vài bức tượng lớn bằng nhôm đồng sắt vụn tái chế, dựng dọc theo trục đường chính của thị trấn. Những bức tượng này khắc khổ và xương xẩu như chính bản thân vùng đất sắp đặt chân đến.
Tại đây, vẫn có một điểm khiến tôi thích: chợ nơi này thật sự rất rẻ, hoa quả to tròn và mọng nước. Chắc hẳn cây cối quanh vùng này phải chắt chiu rất nhiều để mang đến vị ngọt mọng nước như vậy. Với đứa tạp ăn như tôi thì dù biết rằng lịch trình vượt hoang mạc đã gồm đầy đủ đồ ăn, nhưng tôi không ngại chi thêm 20 peso để vác thêm 10kg hoa quả cho 4 ngày trọn vẹn.
Mà đâu phải tôi vác đâu. Chiếc xe SUV 4×4 khênh hộ tôi. Bạn đồng hành của tôi là một gia đình 3 người và chúng tôi có đến 2 chiếc xe – một chở người, một chở hành lý và nhu yếu phẩm, mà trong đó, nước uống ắt hẳn chiếm một nửa diện tích của chiếc xe thứ hai. Vậy mà anh chàng hướng dẫn viên còn đùa với tôi là chừng ấy chưa chắc đủ cho đến ngày thứ 3.
Sau khi sẵn sàng mọi thứ, chúng tôi xuất phát lúc 9 giờ sáng.
Điểm đến đầu tiên và là nơi có lẽ tập trung nhiều khách du lịch nhất trong chặng hành trình là Khu mộ tàu hỏa.
Chính xác thì đây là một trạm trung chuyển nguyên liệu bằng tàu hỏa bị bỏ hoang.
Độc nhất một tuyến đường ray tàu hỏa nằm trơ trọi dưới ánh mặt trời gay gắt. Bên cạnh đó là chừng 5-6 đoàn tàu hỏa chở hàng đã hoen rỉ màu thời gian. Xen giữa là ngổn ngang vài thanh sắt vụn và toa hàng đang chờ sửa chữa.
Đã từng, nơi đây là tuyến đường sắt thịnh vượng nhất khu vực Trung Mỹ. Cũng là nơi nạn cướp tàu diễn ra như cơm bữa với mức độ mà những toán cướp tàu hỏa khét tiếng ở miền Nam Hoa Kỳ cũng phải ngả mũ chào thua.
Nơi đây là viện bảo tàng ngoài trời với bộ sưu tập tàu hỏa mà ngay cả những viện bảo tàng nổi tiếng thế giới về tàu hỏa cũng phải ước ao.
Những đoàn tàu và toa tàu chạy bằng than đá nơi đây nằm yên lặng hơn trăm năm nay, nhưng không ai có thể bỏ qua sự hiện diện của chúng. Vẻ hăm dọa của chúng. Cũng như sự trống vắng, cô độc của chúng trong dòng chảy thời gian. Nhưng chúng cũng lưu giữ lại những đường nét thiết kế vượt thời gian và phô diễn sức mạnh công nghệ trong từng chi tiết thân tàu, bất chấp thử thách của môi trường và thời gian.
Tiếc là tôi không thể dừng lại đây lâu hơn, nếu như không muốn phải nằm ngủ dọc đường, trong xe dưới cái lạnh có thể chết người vào ban đêm của vùng đất hoang mạc khắc nghiệt này.
Vậy nên, chúng tôi bắt buộc phải tiếp tục hành trình của mình để đến kịp khu vực dừng chân và ngủ đêm trong vùng bình nguyên muối.
Và nói đến muối, một điểm mà gần như cả trăm chuyến như trăm, mọi người đều dừng nghỉ trong chốc lát tại ngôi làng nhỏ sản xuất muối – Colchani.
May mắn được vào tận sâu trong làng để xem người dân sản xuất muối, ấn tượng của tôi là vị muối mặn thấm cả vào bức tường dẫn lối vào ngôi nhà của một hộ sản xuất muối. Muối nơi này rất mịn, rất tinh khiết và rất trắng. Dưới ánh nắng vùng hoang mạc và điều kiện khô hanh của hoang mạc, màu trắng này có thể làm mắt bạn bị “chết màu” trong giây lát khi xung quanh bạn toàn là muối trắng. Nếu có quay lại nơi này, nhất định tôi phải trang bị cho mình chiếc kính râm – cái kinh nghiệm mà tôi rút ra từ bài học “chết màu” đắt giá này (!!!)
Rời khỏi làng Colchani là khi bạn chính thức bước vào lãnh địa của bình nguyên muối.
Thời điểm tôi đến là thời điểm bắt đầu mùa mưa. Hay chí ít là người ta bảo tôi thế. Vậy nên, trên suốt chặng đường chạy đến khu vực nghỉ đêm, thật dễ dàng nhận ra dấu hiệu của giai đoạn mùa mưa bắt đầu.
Cũng như bao kẻ ham vui khác, tôi muốn được thấy bình nguyên muối với hình ảnh phản chiếu đất trời một cách hoàn hảo, như khi ta đang đứng giữa khoảng giao hòa không – thời gian siêu thực. Hay chí ít, đó là hình ảnh thường thấy về bình nguyên muối Uyuni.
Nhưng sự thật thường phũ phàng hơn.
Nếu bạn muốn có được hình ảnh phản chiếu hoàn hảo như thế, bạn phải đến đúng thời điểm khi bình nguyên muối đón nhận những cơn mưa rào đầu tiên. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn với vài cơn mưa đủ để tạo nên lớp nước mỏng trên cánh đồng, cộng thêm chút may mắn khi đến đúng địa điểm khi trời xanh mây trắng thì bạn mới có được bức hình siêu thực ấy.
Lần này thì tôi lại không gặp may. Vì dù đến lúc đầu mùa mưa, nhưng chưa đúng dịp để đủ tạo một lớp nước mỏng trên khu vực bình nguyên muối rộng lớn.
Ngược lại, tôi gặp một khuôn mặt đặc biệt, khá hiếm gặp khác – theo lời của người dẫn đường – của cánh đồng: muối tụ tập lại tạo thành những ô hình lục giác, xếp liên miên bất tận trong toàn bộ khu vực bình nguyên muối. Nó như những ô tổ ong đều chằn chặn, trải dài ra mọi hướng.
Và càng đi sâu vào trung tâm bình nguyên muối này, tấm thảm muối màu trắng càng trải rộng đều đặn hơn.
Toàn bộ khu vực này thực ra là một hồ nước mặn đang bốc hơi dần. Và lớp đất mà chúng tôi đang đi trên đó thực ra là tầng đất ngậm muối và nước có độ đậm đặc cao với diện tích lớn nhất thế giới. Dù không biết chắc điều đó có đúng không, nhưng vào lúc ấy, chúng tôi không ai muốn phản bác điều mà hướng dẫn viên của mình nói cả.
Phải đến khi đến khi đứng trên đỉnh cao nhất của Isla Pescado – hay còn gọi là Đảo Cá – thì tôi hoàn toàn tin vào điều anh chàng ấy nói.
Nằm ngay khu vực trung tâm của bình nguyên muối, Isla Pescado đập vào mắt với màu nâu đất nham nhở và những cây xương rồng xù xì, gai sắc nhọn và dài. Nếu có chiếc máy ảnh drone lúc ấy, chắc chắn tôi có thể nhìn được hình dạng con cá của hòn đảo này, với vảy là lũ xương rồng gai góc đến rợn người, nằm giữa vùng đất trắng bốn phía tít tắp đường chân trời. Một con cá giãy chết trên đáy biển chết đầy muối trắng còn sót lại. Nó làm tôi nhớ lại cảnh phim anh chàng thuyền trưởng Jack Sparrow lang thang ở cõi bất định bốn phía trắng trơn, chỉ duy nhất anh ta với con tàu Ngọc Trai Đen yêu quý. Ở đây, cứ thay hình ảnh con tàu ấy bằng hình ảnh con Cá Màu Nâu là tôi biết được hòn đảo Isla Pescado nhìn từ trên xuống trông như thế nào. Cũng khá ấn tượng!
Thẳng tiến tiếp tục hành trình, hôm ấy, chúng tôi gặp may khi gặp một đàn chim hồng hạc gồm hai loại: chim hồng hạc chân đen và chim hồng hạc chân đỏ – là loại hồng hạc hiếm gặp tại vùng trung tâm bình nguyên muối. Hiếm gặp là vì số lượng của chúng trong vùng bình nguyên này ít hơn nhiều so với hồng hạc chân đen. Và chúng cũng chỉ đến đây tìm loại ốc hồng lẩn trốn dưới lớp nước muối của vùng hồ này vào đầu mùa mưa.
Thật ngạc nhiên là chúng không hề quá sợ hãi như tôi nghĩ. Vì chúng tôi có thể tiếp cận được chúng ở khoảng cách gần, tức là tầm 3-4 mét để nhìn rõ sắc hồng toàn thân đầy kiêu sa, như những nàng công chúa đang tắm mình trong làn nước hồ bàng bạc ánh nước.
Những chú chim hồng hạc tình cờ gặp được tại nơi này có màu hồng khác hẳn những loài hồng hạc mà chúng tôi gặp sau này, ví dụ như tại vùng hồ Laguna Colarada.
Loài hồng hạc ở đây đậm màu toàn thân hơn, hoặc là loại hồng hạc nổi bật với cái đuôi chuyển hẳn sang sắc đỏ trong khi thân mình lại ngả về màu trắng. Chúng mò tìm thức ăn tại khu vực nước tối màu nhất – gần như màu đen – của hồ Laguna Colarada.
Nếu bạn may mắn, bạn có thể gặp được sắc đỏ trên toàn bộ vùng hồ. Còn nếu không? Nhiều khả năng bạn sẽ gặp cảnh tượng giống như tôi: mặt nước hồ là sự hòa quyện giữa những dải màu vàng – trắng – hồng đỏ – đen – xanh da trời thẫm – xanh rêu. Đó là lý do hồ lại có tên Colarada.
Ngẫm lại, những hồ nước thuộc khu vực bình nguyên muối và hoang mạc Atacama này cư xử khá là kì lạ.
Nổi tiếng nhất có lẽ là hai hồ: Laguna Colarada và Laguna Verde. Một sẽ ngập tràn sắc đỏ và một sẽ ngập tràn sắc xanh, nguyên nhân là do một chứa nhiều sắt và một chứa nhiều asen (tên khác là thạch tín).
Nhưng điều kiện tiên quyết để toàn bộ mặt hồ chuyển màu – cho cả hai hồ và nhiều hồ khác: gió!
Tôi không rõ gió từ đâu tới vùng hồ này, gió tỏa đi đâu. Nhưng nơi đây, gió có sức mạnh vô hình làm thay đổi cả diện mạo một vùng đất thênh thang từ bắc chí nam.
Bởi vì gió không chỉ làm thay đổi lớp áo khoác của những vùng hồ, gió còn điêu khắc nên muôn hình vạn trạng cho những khối đá lởm chởm nằm rải rác trên hoang mạc Atacama. Nổi tiếng nhất là Stone Tree, tức Cây Đá.
Có lẽ gió đã dùng những hạt bụi và cát nhỏ li ti để làm công cụ đẽo gọt cho khối đá Stone Tree này. Nếu không, tôi không thể lý giải đươc vì sao giữa vùng đất hoang mạc khô cằn bậc nhất thế giới này, với dấu vết mài mòn tự nhiên và cùng chịu ảnh hưởng địa chấn như nhau, nhưng những khối đá cả nhỏ hơn lẫn lớn hơn nằm rải rác xung quanh lại không có hình dạng “mình hạc sương mai” như Cây Đá này.
Hoặc có lẽ, mẹ Thiên Nhiên mong muốn tạo nên giống loài cây chỉ có ở vùng hoang mạc này?
Cô nhóc nhỏ tuổi của gia đình đồng hành cứ kiên quyết bám theo thuyết phục tôi rằng đó không phải là cây. Nó nhất định là san hô. Có lẽ cũng đúng. Nhưng san hô cũng gọi là cây san hô, nên nó cũng là cây mà nhỉ?
Nhưng dù sao thì cũng khó mà nói được cái gì đúng cái gì sai tại vùng đất này. Bởi vì hình như, các khái niệm thông thường của cuộc sống chốn Địa Cầu không phù hợp lắm với nơi này.
Không phải ngẫu nhiên mà vùng hoang mạc Atacama, kéo dài từ miền nam Bolivia đến miền bắc Chile, lại được mệnh danh là vùng đất ngoài hành tinh. Nổi tiếng nhất với Valle de la Luna, tức Thung lũng Mặt Trăng.
Chưa cần đến Thung lũng Mặt Trăng ấy, bạn chỉ cần bước vào khu vực mạch nước phun – hay Geyser, trong đó, nổi tiếng nhất là Sol de Mañana – là bạn như bước một chân vào vùng đất của một hành tinh xa xôi nào đó trong vũ trụ.
Những mạch nước phun ở đây chính là lỗ thông với lõi nham thạch sục sôi của những ngọn núi lửa đang dần ngừng hoạt động. Mùi lưu huỳnh đặc trưng của vùng núi lửa – hay dân dã hơn, mùi trứng thối – thường gặp lại không hề có mùi như thế tại khu vực mạch nước phun. Thật không biết vì sao chúng lại không nặng mùi trứng thối như vậy!
Nhưng Geyser không chỉ đơn thuần là mạch nước phun, mà phải là mạch nước phun ra ở đây cao đến tận vài mét như ở đây thì mới được gọi là Geyser. Xen kẽ là những miệng hố đang đun sôi lục bục thứ hỗn hợp màu bùn đất xám đen và đá vôi trắng. Và chớ có đùa với những miệng hố nhỏ to khắp chốn này. Vì chúng có thể vừa làm bỏng da, vừa đốt thịt vì hàm lượng axit đậm đặc chứa trong thứ hỗn hợp bùn nhão đó.
Geyser là thứ đặc sản của riêng vùng hoang mạc Atacama mà không nơi nào dám cạnh tranh hạng nhất.
Mà thực ra, mọi thứ thuộc về bình nguyên muối Uyuni và hoang mạc Atacama này đều mang lại những trải nghiệm không nơi nào có được trên Địa Cầu này.
Tôi chắc chắn như vậy!
*Nếu muốn khám phá bình nguyên muối Uyuni và/hoặc xuyên Bolivia để đến Chile qua hoang mạc Atacama, bạn có thể mua vé máy bay khứ hồi từ Việt Nam đến Miami hoặc Dallas của Hoa Kỳ. Hiện nay có khá nhiều hãng hàng không khai thác tuyến này với giá vé dao động trung bình từ $1.700 đến $2500 khứ hồi. Sau đó, để tiết kiệm tiền, bạn có thể bay chuyến khứ hồi từ Dallas hoặc Miami đến La Paz, Bolivia với hãng hàng không giá rẻ của Hoa Kỳ là Sprit Airlines với mức giá trung bình khoảng $400.
Tốt nhất, bạn nên tìm hiểu kỹ các tour đi thăm Uyuni và/hoặc xuyên hoang mạc Atacama tại La Paz vì nơi này sẽ có nhiều lựa chọn nhất cho bạn. Nếu đến Uyuni, bạn vẫn tìm được tour nhưng thường là có ít lựa chọn hơn và giá thường đắt hơn ít nhất là 20% vì phải sắp xếp nhân sự vào phút cuối (mà thường thì đại lý du lịch ngại nhận người tại Uyuni vì phải điều thêm nhân lực từ La Paz hay nơi khác).
Đồng thời, bạn nên chuẩn bị kỹ càng đối với các yêu cầu về sức khỏe. Khu vực này tính trung bình cao hơn mực nước biển khoảng 3.000m (điểm cao nhất có thể đến 5.000m). Nắng cực kỳ gắt và không khí rất khô hanh, khó chịu đối với người không quen “ăn dầm nằm dề”. Dù mặc áo ngắn tay, bôi kem chống nắng để chụp ảnh ngoài trời trong vòng 2 tiếng thì bạn vẫn có thể bị cháy nắng, đến mức đen da ngay lập tức. Vậy nên, quần áo dài tay là trang phục rất được đề xuất khi du lịch tại vùng đất này.
Kính râm là không thể thiếu. Và nên chọn loại kính râm loại tốt, vì mặt trời nơi đây không chỉ chiếu gay gắt, mà còn vì cường độ chiếu sáng và xuyên thấu của tia UV tại nơi này.
Ngoài ra, dù bạn uống ít nước mỗi ngày thì bạn cũng nên mua sẵn vài lít nước để xe chở theo cho bạn. Lý do là vì toàn bộ quãng thời gian vượt Bolivia và/hoặc đến thị trấn San Pedro de Chile, từ ngày thứ 2 trở đi, bạn thường phải tiết kiệm nước ngọt (lượng nước ngọt mang theo thường chỉ đủ để uống cho toàn bộ hành trình và tắm rửa ở mức tối thiểu nhất).
Ngoài ra, ngoài việc sạc đầy pin cho thiết bị điện tử thì nhớ mang theo nhiều pin dự phòng vì toàn bộ khu vực này chỉ chạy máy phát điện về đêm (và cắt sau 11 giờ đêm!) để phục vụ cho thời gian nấu nướng và ăn tối. Việc này đặc biệt quan trọng nếu bạn muốn đến đây để quay phim chụp ảnh.
Vẫn là bài đặt cọc cho cô em gái khác họ cùng tông. Và chuyến này đi cũng hơi xa rồi, tầm 4-5 năm trước rồi <____<