4 giờ sáng. Dọc theo con đường đi về phía tây của thành phố Yogyakarta, chỉ có ánh đèn đường le lói vẫn còn cần mẫn hoạt động.
Và chỉ duy nhất tiếng xe máy đưa tôi cùng người bạn Indo trên đường.
4 giờ sáng cũng là lúc người bạn này của tôi muốn thực hiện nghi lễ cầu nguyện đạo Hồi vào thời khắc trước khi mặt trời mọc theo tập tục tín ngưỡng của mình. Vậy nên, chúng tôi dừng chân tại một nhà thờ Hồi giáo ven đường. Và trước khi bước chân vào nhà thờ, mọi người cùng nhau rửa sạch tay, chân trong sự im lặng linh thiêng của buổi sớm trước khi bình minh lên.
Đó chỉ là một gian nhà thờ nhỏ. Mọi thứ hầu như không có gì. Chỉ là một gian phòng trống. Mọi người – cả nam lẫn nữ – cùng hướng về phía mặt trời mọc, cùng quỳ lạy theo một nghi thức riêng, đồng điệu từ tiếng ngâm kinh Qur’an (hay còn gọi là kinh Koran) đến đức tin vào sự tốt đẹp của tâm hồn.
Sau 15 phút, chúng tôi lại tiếp tục hành trình thêm tầm 15 phút nữa để đến đồi Setumbu.
Dựng xe dưới chân đồi, trong khuôn viên của một ngôi nhà lớn – không có cổng – nằm trong một ngôi làng chỉ lác đác vài hộ dân, chúng tôi phải đi bộ leo dốc đồi để hy vọng đón được ánh bình minh đầu tiên của ngày mới.
Người bạn duy nhất của chúng tôi trên chặng đường đi bộ tầm hơn nửa tiếng này là tiếng râm ran khe khẽ của vài chú dế. Âm thanh của người bạn là dẫn dắt duy nhất cho tôi biết mình nên đi hướng nào.
Dừng lại ở một khu vực khá hẹp có một lán trại thô sơ, tôi đếm chỉ chừng 5-6 người có mặt vào thời điểm ấy cùng chúng tôi. Lúc 5 giờ kém.
Gần 5 giờ 30 sáng, thời khắc mặt trời bắt đầu ló dạng sau màn sương dày đặc. Và chúng tôi đều hướng về một phía – nơi mặt trời mọc trên trền di chỉ Phật giáo cổ lớn nhất thế giới: Borobudur.
Borobudur nói lên rất nhiều điều. Một quần thể Phật giáo lớn. Một địa điểm du lịch nổi tiếng của thế giới. Một di sản văn hóa thế giới. Khu tổ hợp Phật giáo vẫn còn bí ẩn về lý do mục đích và người xây dựng nên nơi này. Là khu đền linh thiêng cho Phật tử tại Indonesia.
Và trong khoảnh khắc chứng kiến ánh sáng đẩy lùi dần màn sương mờ và bóng đêm, hé lộ dần cõi thanh tịnh của Borobudur trên nền hai ngọn núi lửa hùng vĩ Merapi và Merbabu, trong tiếng rì rầm khe khẽ của đồi Setumbu, vọng xa là tiếng chuông ngâm trầm đục, tôi thực sự tin cái gọi là khoảnh khắc vĩnh hằng.
Ấy không phải là sự vĩnh hằng tín ngưỡng.
Cũng không phải là sự vĩnh hằng của cõi đất trời.
Mà cũng chẳng phải là sự vĩnh hằng từ khoảnh khắc giác ngộ.
Hay là sự cứu rỗi, giải thoát thế tục.
Thời khắc ấy mang đến những chân trời xa vời, vượt qua mô tả ngôn ngữ hay trí tuệ thông thường.
Cũng trong khoảnh khắc ấy, Borobudur ánh lên vẻ đẹp vượt tầm tôn giáo tin ngưỡng hay kiến trúc kỹ thuật hoặc tầm vóc nhân loại.
Lúc này đây, tất cả chúng tôi như thể những bức tượng trầm mặc trên bậc cao nhất của Borobudur, hướng ánh nhìn về phía mặt trời sau ngọn núi Merapi và Merbabu, chờ đợi thứ ánh sáng huyền ảo đánh dấu một ngày. Đó cũng là thứ ánh sáng báo hiệu sự chấm dứt của một ngày.
Cái nhịp điệu ấy đã kéo dài trên cả ngàn năm tại Borobudur. Rồi vẫn kéo dài cả ngàn năm sau.
Và giữa khoảng nhịp điệu ấy, tôi may mắn có cơ hội chứng kiến cuộc sống bình thường nhưng không tầm thường, như những điểm sáng lung linh trong màn sương sớm của Borobudur.
Không may mắn sao được khi tôi vẫn còn nghe được tiếng ram ran của phiên chợ sớm dưới chân đồi Setumbu, thấy được nét hớn hở của đám chim chóc ồn ào ngày mới, cảm nhận được sự mệt mỏi của thúng rau trên đầu bác nông dân trở về từ phiên chợ, ngửi được mùi thơm cồn cào của món thịt nướng satay truyền thống của người Indo, nếm được vị đắng trên đầu lưỡi do bỏ lỡ cả bữa sáng chỉ để chạy theo ánh bình minh ngày mới từ lú 3 giờ sáng… và quan trọng hơn cả, cảm nhận được niềm vui khi đón ánh mặt trời lên.
Trên đường xuống chân đồi, người bạn Indo của tôi bình thản nói rằng bình thường, bạn ây sẽ thực hiện một lần cầu nguyện nữa sau khi mặt trời mọc, theo thủ tục tín ngưỡng của mình.
“Nhưng mà cái đền thờ Hồi giáo gần nhất cũng cách đây 2 cây số là ít. Sao bạn đến kịp lúc để cầu nguyện được?”, tôi nói.
“Không sao, mình đã đọc kinh nguyện đức thánh Ala lúc ngắm mặt trời lên. Mình tin là ngài sẽ hiểu, thế là đủ”, bạn tôi trả lời.
Phải, có lẽ thế là đủ. Đủ đối với kẻ mải miết chạy theo những thử thách vạn dặm như tôi. Đủ đối với tín đồ đạo Hồi như người bạn của tôi. Đủ đối với những ai có mặt tại ngọn đồi hôm ấy, cố gắng săn tìm cảnh đẹp lúc mặt trời mọc trên đỉnh Borobudur.
Dù là gì đi chăng nữa, vào lúc ấy, tôi biết, tất cả chúng tôi đều hướng đến cái chân – thiện – mỹ từ sâu thẳm của tâm hồn. Vậy là đủ.
* Để đến đươc Setumbu: Hãng hàng không AirAsia có tuyến bay giá rẻ từ Việt Nam đến Yogyakarta (nối chuyến tại Kuala Lumpur hoặc Băng Cốc), khứ hồi trung bình khoảng $200. Từ sân bay Adi Sutjibto tại Yogyakarta, bạn có thể hoặc bắt tuyến xe bus 3A (xuống bến Condongcatur Shelter) và tiếp tuyến 2A (xuống bến Jombor), và từ đó, bắt xe bus chạy thẳng đến bến Borobudur; sau đó, chạy xe ôm đến đồi Setumbu.
Một cách dễ dàng hơn là nghỉ đêm tại trung tâm Yogyakarta, để sáng hôm sau, tự mình thuê xe máy chạy đến đồi Setumbu. Phí thuê xe cả ngày khoảng $10.
* Thời điểm ngắm mặt trời mọc tốt nhất ở đồi Setumbu là vào mùa hè hoặc mùa khô tại Indonesia. Bạn nên xuất phát từ Yogyakarta lúc 4 giờ sáng. Mang theo nước để uống vì bạn phải đi hiking tầm 20 phút từ cổng đồi lên đến điểm ngắm mặt trời mọc. Phí lên khu lán trại ngắm trên đồi, theo cập nhật mới nhất là khoagnr $3 cho khách nước ngoài. Nhưng nếu bạn đến sớm (tầm trước 4:15 sáng) thì không cần trả tiền vì không có ai gác cổng vào lúc ấy.